Trong khi vụ khách hàng bị mất 245 tỷ đồng còn chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, 6 khách hàng cũng đang yêu cầu phía Eximbank trả lại số tiền 50 tỷ đồng bị nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An) chiếm đoạt.

PGD Eximbank
Phòng giao dịch Eximbank. (Ảnh: Hồ Phong)

Trao đổi với báo Người Lao Động, luật sư đại diện của 6 khách hàng bị mất tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank Đô Lương cho biết đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo Eximbank để yêu cầu ngân hàng này trả lại tiền trước khi vụ án được xét xử vào tháng 4 tới.

Về phía Eximbank, lãnh đạo của ngân hàng cho biết trong tuần này sẽ có phản hồi về hướng giải quyết vụ việc.

Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An, từ năm 2012 đến tháng 8/2016, bà Nguyễn Thị Lam – nhân viên ngân quỹ Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương – đã có hành vi lừa dối để khách hàng ký vào lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, giả mạo chữ ký khách hàng để rút khỏi hệ thống Eximbank số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Cụ thể, từ tháng 3/2011 đến tháng 4/2016, bà Nguyễn Thị Lam được giao nhiệm vụ thu, chi tiền mặt; quản lý kiểm tra hồ sơ thế chấp vay vốn của khách hàng; huy động vốn và cho vay theo chỉ tiêu.

Để đạt được chỉ tiêu, bà Lam đã tự ý trả lãi cho khách hàng cao hơn mức lãi ngân hàng. Trong năm 2012 – 2013, lãi suất huy động vốn khoảng 10,5%/năm thì bà Lam thỏa thuận trả lãi 12%/năm. Đến giai đoạn 2014 – 2016, lãi suất ngân hàng từ 4 – 6,3%/năm, nhưng bà Lam nhận gửi của khách hàng với lãi suất từ 7,5 – 12%/năm. Bằng cách này, bà Lam đã thu hút được nhiều khách hàng VIP trong vùng đến gửi tiết kiệm vào Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương.

Lỗ hổng quản lý?

Theo quy định của Eximbank về dịch vụ phục vụ khách hàng VIP: Các khách hàng thuộc đối tượng này sẽ được ưu tiên thực hiện nhanh gọn các giao dịch, giải quyết nhanh hồ sơ; được xem xét cung cấp dịch vụ, chi tiền mặt, dịch vụ cho vay tận nơi theo yêu cầu của khách hàng…

Do đó, theo cơ quan điều tra, có trường hợp khi khách rút tiền, bà Lam sẽ đề nghị giao dịch viên chuẩn bị các chứng từ như lệnh chi, ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền… theo đúng số tiền khách hàng yêu cầu, làm thủ tục nhận tiền tại ngân hàng rồi đưa đến cho khách hàng.

Sau khi khách hàng ký nhận các chứng từ, bà Lam mang về ngân hàng để hoàn thiện hồ sơ. Có trường hợp bà Lam đưa chứng từ đến cho khách hàng ký khống rồi về làm thủ tục rút tiền, xong mới đem tiền cho khách hàng.

Trong số 50 tỷ đồng bị chiếm đoạt ở trên, có 15,79 tỷ đồng được bà Lam rút từ các sổ tiết kiệm của khách hàng VIP trong thời gian còn làm việc từ năm 2012 đến tháng 4/2016. Sau thời điểm tháng 4/2016, mặc dù đã nghỉ việc ở Eximbank, bà Lam vẫn lập hồ sơ thủ tục và chiếm đoạt thêm 34,28 tỷ đồng còn lại tiền gửi tiết kiệm của 6 khách hàng trong hệ thống Eximbank.

Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, hồi năm 2014, bà Lam có nhận của một khách hàng 570 triệu đồng để mở sổ tiết kiệm, nhưng số tiền này sau đó cũng bị bà chiếm đoạt.

Hiện kết luận điều tra vụ án đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An chuyển sang VKSND tỉnh Nghệ An đề nghị truy tố. Vụ án được khởi tố vào năm 2016 và có kết luận điều tra vào tháng 8/2017, song theo luật sư đại diện cho các khách hàng bị mất hơn 50 tỷ đồng, thì cho đến nay Eximbank vẫn chưa có động thái giải quyết trả lại tiền cho 6 khách hàng.

Dự kiến vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong tháng 4 tới.

Eximbank đang đón nhận nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại ngân hàng, điều được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Eximbank. Trước vụ việc 6 khách hàng đòi 50 tỷ đồng lần này, Eximbank cũng đang trong quá trình giải quyết vụ việc liên quan đến khách hàng Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Và mới đây, một khách hàng ở Hà Nội là bà Bùi Tố Loan cũng khiếu nại Eximbank vì bị mất 3 lượng vàng khi gửi ở ngân hàng.

Minh Sơn (T/h)