Với 91,32% đại biểu Quốc hội tán thành, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào sáng ngày 13/6. Một trong những điểm mới của luật là quy định trường hợp được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và thẩm quyền xóa.

xoa no thue
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

4 trường hợp được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp

Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự án luật, Quốc hội đã biểu quyết 2 điều trong dự án luật, trong đó có trường hợp được xóa nợ thuế (Điều 85).

Theo đó, có 4 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; (1) doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế; (2) cá nhân đã chết, hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế, để nộp thuế; (3) các khoản tiền thuế nợ đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi; (4) các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế nợ.

Trường hợp thứ 4 do Chính phủ quy định chi tiết.

Điều 66 quy định người nợ thuế có thể bị hoãn xuất cảnh, bao gồm cả người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài.

Đối với doanh nghiệp sau khi bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi sở hữu… còn nợ thuế, các doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp nói trên có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế (điều 68).

Trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đối với hộ kinh doanh, phần thuế nợ do chủ hộ, cá nhân chịu trách nhiệm nộp; đối với doanh nghiệp, phần nợ thuế do chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên, cổ đông góp vốn, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh chịu trách nhiệm nộp (điều 67).

Thẩm quyền xóa nợ

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp:

(1) doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế; (2) cá nhân đã chết, hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế, để nộp thuế; (3) cá nhân, hộ kinh doanh nợ thuế đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi; (4) doanh nghiệp nợ dưới 5 tỷ đồng quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi.

Đối với doanh nghiệp nợ trên 5 tỷ đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi, thẩm quyền xóa nợ thuế được quy định như sau: Từ 5 đến 10 tỷ đồng do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định; từ 10 đến 15 tỷ đồng do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định; trên 15 tỷ đồng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ngoài ra, quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo tình hình kết quả xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho Hội đồng nhân dân vào kỳ họp đầu năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt để Chính phủ báo cáo Quốc hội khi tổng quyết toán ngân sách nhà nước.

Lãi suất chậm nộp thuế cao hơn mức lãi suất cho vay cao nhất

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến cho rằng quy định tiền chậm nộp ở mức 0,03%/ngày là thấp hơn so với lãi suất ngân hàng, dẫn đến việc các doanh nghiệp cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế để giảm chi phí, do đó cần tăng mức tính tiền chậm nộp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan, nên để nuôi dưỡng nguồn thu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp từ 0,07% xuống 0,05% và nay là 0,03%/ngày.

Mặt khác, 0,03%/ngày tương đương 10,95%/năm, trong khi lãi suất huy động bằng VND hiện nay khoảng 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tới 6 tháng và mặt bằng lãi suất cho vay VND hiện nay phổ biến 6-9%/năm đối với các khoản cho vay ngắn hạn.

Như vậy, mức tiền chậm nộp hiện đã vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất trên thị trường, do đó, nội dung này được giữ như dự thảo.

Cấm thông đồng, móc nối để chuyển giá, trốn thuế

Báo cáo giải trình tiếp thu dự luật sửa đổi khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết một số ý kiến đã đề nghị bổ sung nghiêm cấm lợi dụng chuyển giá, tránh thuế để sắp đặt trốn thuế, hưởng lợi và cấm hành vi xuất hóa đơn ảo, làm hợp lý hóa chi phí gây thất thoát nguồn thu, chi ngân sách nhà nước.

Theo ý kiến góp ý, hành vi bị cấm trong dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua đã được bổ sung như sau: “Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế”.

Nguyễn Quân

Xem thêm: