Cơ cấu chi tiêu thường xuyên của Chính phủ đang có những thay đổi trái chiều. Trong đó, chi tiêu cho bộ máy hành chính, giáo dục đào tạo và chi trả nợ lãi vay tăng vọt; trong khi đó chi trả lương hưu và bảo trợ xã hội tăng trưởng chậm và chi cho cải cách tiền lương bị sụt giảm gần một nửa trong giai đoạn 2011-2015.

ngan sach tra no
(Ảnh minh họa/Justin Mott/Bloomberg/dẫn qua Getty Images)

Chi tiêu thường xuyên tăng vọt

Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của các khoản chi tiêu thường xuyên của chính phủ.

Theo đó, UNDP nhấn mạnh tổng chi tiêu thường xuyên của chính phủ (chưa kể chi trả nợ gốc) đã tăng vọt hơn 75% tronợ ng giai đoạn 2011-2015, cao gấp hai lần mức tăng nguồn thu phi viện trợ trong cùng thời kỳ.

Trong đó, các khoản chi tăng trưởng nhanh nhất là chi tiêu cho bộ máy hành chính (tăng 83,4%); chi cho giáo dục và đào tạo tăng 78,5%; và chi trả nợ lãi tăng gần 75,4%.

Ngược lại, các khoản chi có tốc độ tăng trưởng chậm nhất là chi trả lương hưu và bảo trợ xã hội (+34,8%); y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình (+59,8%); và khoa học – công nghệ (63%). Đáng chú ý, chi tiêu cho cải cách tiền lương đã giảm xuống gần một nữa (-47,2%).

“Tình hình này đã góp phần làm tăng thâm thủng Ngân sách Nhà nước (kể cả chi trả nợ gốc cho các khoản vay của chính phủ) từ khoảng 4% GDP năm 2011 lên đến 6,3% GDP năm 2015”, báo cáo của UNDP nêu.

Tỷ lệ chi thường xuyên/ GDP cũng tăng cao

Điều tương tự cũng xảy ra với tỷ lệ chi thường xuyên chiếm trong GDP. Cụ thể, tổng chi tiêu thường xuyên của chính phủ đã tăng từ 19,87% GDP năm 2011 lên mức 20,8% vào năm 2015.

Trong chi tiêu thường xuyên, các khoản chi với tỷ trọng cao so với GDP (>1%) năm 2015 tiếp tục là chi cho giáo dục và đào tạo (tăng 4,23% từ 3,57% năm 2011); chi phí hành chính (tăng 3,17% từ 2,61% năm 2011); và trả nợ lãi vay có mức tăng nhanh nhất (tăng 1,91% từ 1,07% năm 2011)…

Trong khi đó, các khoản chi cho lương hưu và bảo trợ xã hội tiếp tục giảm xuống 2,51% từ mức 2,81% năm 2011. “Không giống như một số báo cáo nhấn mạnh chi tiêu cho bảo trợ xã hội đã tăng quá nhanh, số liệu ở đây cho thấy mức tăng trưởng chi tiêu cho lương hưu và bảo trợ xã hội là một trong những hạng mục tăng chậm nhất và tỷ trọng so với GDP đã giảm trong năm 2015 so với năm 2011”, báo cáo của UNDP đề cập.

Theo đánh giá của các chuyên gia UNDP, việc tăng nhanh chi tiêu thường xuyên trong khi phải đối mặt với khó khăn trong việc mở rộng nguồn thu của Chính phủ đã dẫn đến mức giảm nhẹ về chi tiêu cơ bản so với GDP, từ 7,49% năm 2011 xuống còn 7,37% năm 2015.

Trong những khoản này, mức chi tiêu hành chính cao và tăng nhanh là đáng quan ngại nhất. Do đó, UNDP khuyến nghị Việt Nam cần phải cắt giảm hơn nữa các khoản chi thường xuyên (như mua sắm xe công và đi công tác) trong chính phủ; hạn chế tăng trưởng trong chi tiêu trả lương của Chính phủ; tìm dư địa để (i) tăng chi tiêu cho nghiên cứu phát triển (R&D), phát triển các kỹ năng “Thế kỷ 21” và (ii) mở rộng diện bảo hiểm xã hội và bảo trợ xã hội khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tăng tốc.

Theo UNDP,
Tường Văn

Xem thêm: