Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng đến 4,67% so với cùng kỳ năm 2017, đánh dấu mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại.

chi so gia tieu dung cpi 2
(Ảnh: Khánh Minh)

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), đa số các nhóm hàng hóa và dịch vụ đều có giá tăng so với tháng trước. Cụ thể có đến 10/11 nhóm hàng hóa tăng giá, trong đó dẫn đầu là nhóm thực phẩm tăng 1,75%, nhóm giao thông tăng 1,04% do giá xăng dầu tăng.

Như vậy, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm 2018 cũng tăng 1,35% so với 6 tháng năm 2017.

Về chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất 6 tháng đầu năm tăng 4,43% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 2,83%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,74%; chỉ số giá cước vận tải, kho bãi tăng 3,16%; và chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,37%.

Về chỉ số giá xuất nhập khẩu, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm tăng 0,71% so với cùng kỳ năm 2017; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 1,08%. Tỷ giá thương mại hàng hóa 6 tháng năm nay giảm 0,37% so với cùng kỳ năm 2017.

Về chi tiêu ngân sách, từ đầu năm đến 15/6/2018, thu ngân sách không theo kịp tốc độ chi tiêu dẫn đến ngân sách thâm hụt khoảng 4.100 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên chiếm gần 71% tổng chi ngân sách.

Đáng chú ý, tỷ giá USD/VND trong tuần qua có dấu hiệu tăng mạnh và đã vượt mốc 23.000 đồng/USD, gây áp lực không hề nhỏ lên lạm phát và hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, tỷ giá tăng cũng sẽ khiến các khoản nợ bằng đồng USD bị đội lên tương ứng.

Bên cạnh yếu tố tăng giá, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 6 tháng năm 2018 ước tính tăng 7,08%, đây cũng là mức tăng cao nhất của 6 tháng trong 7 năm qua.

Lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng nền kinh tế vẫn là công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, lần lượt tăng 9,07% và 6,9%.

Tường Văn

Xem thêm: