Kết quả khảo sát từ Báo cáo nghiên cứu “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp Việt Nam” mới đây do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) thực hiện đã khiến không ít người cảm thán về văn hóa ứng xử doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

tham nhung hoi lo
Chi phí cho các mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được “nguỵ trang” dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm 25-30% trong các giao dịch kinh doanh, theo VCCI, UNDP. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu thu được qua việc khảo sát 239 doanh nghiệp (DN) và có cuộc phỏng vấn sâu rộng cụ thể với 40 DN. Kết quả cho thấy, chỉ 50-60% các DN hiểu rõ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử cũng như vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của DN.

Báo cáo cũng phản ánh những thực trạng đáng buồn trong văn hóa kinh doanh của các DN hiện nay.

Chi phí “ngầm” đã trở thành thông lệ

Chi phí “ngầm” trong DN, có thể nói rằng vẫn luôn là bài toán nhức nhối chưa tìm ra lời giải. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một kết quả tương đồng cho thấy chi phí “ngầm” đã trở thành thông lệ trong suy nghĩ và ứng xử của đa số DN.

Cụ thể, gần 57% DN cho rằng việc chi trả các chi phí không chính thức mang lại kết quả tốt hơn khi làm việc với cán bộ công chức, trong khi tỷ lệ phản đối chỉ là 11%. 32% DN không có ý kiến.

74% DN tham gia khảo sát tin rằng các DN cùng ngành cũng phải trả các chi phí không chính thức trong năm 2017 – 2018.

Điều đáng nói là chi phí cho các mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được “nguỵ trang” dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm 25-30% trong các giao dịch kinh doanh. Có tới 1/3 số DN cho biết họ không bao giờ áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm cạnh tranh.

Năm 2018, kết quả cuộc điều tra toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng đưa ra thực tế DN tư nhân ở Việt Nam đã coi hối lộ như là “chi phí kinh doanh” nhiều hơn là vấn đề “liêm chính trong kinh doanh”. Có tới 51-65% DN tham gia khảo sát trong giai đoạn 2011-2017 cho rằng các DN cùng ngành đang phải trả chi phí hối lộ. Thêm nữa, xu hướng DN phải chi trả từ 10% tổng doanh thu trở lên cho các chi phí không chính thức đang tăng dần từ 7% năm 2010 lên hơn 10% số DN được khảo sát trong giai đoạn 2014-2017… 80% các DN đó cho rằng việc chi trả này là ở mức độ “chấp nhận được”.

Hoạt động mua sắm và quản lý nhân sự thiếu minh bạch

Không chỉ có chi phí “ngầm”, các hoạt động mua sắm không minh bạch cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các DN tham gia khảo sát. Đây có thể coi là một trong những nguy cơ tác động trực tiếp tới sự liêm chính trong kinh doanh.

Đối với hoạt động mua sắm, việc “đặt hàng không theo nhu cầu”, “đặt hàng không đúng chất lượng”, “hồ sơ báo giá bị can thiệp làm mất tính khách quan”… vẫn tồn tại trong phần lớn các ND. Chỉ riêng hoạt động bán hàng, có khoảng 16% DN tham gia khảo sát cho biết có nhận ra những bất thường như việc lập hóa đơn sai hay bán hàng không theo đúng chính sách của DN, giao hàng không đúng như cam kết trong hợp đồng….

Bên cạnh đó còn phải kể đến sự thiếu minh bạch trong vấn đề quản lý nhân sự khi có tới 27-38% DN tham gia khảo sát cho biết họ thực hiện không đầy đủ các khoản phải nộp cho người lao động, chưa tuân thủ pháp luật về lao động trong ký kết và thực hiện hợp đồng hay việc tuyển dụng dựa phần lớn vào quen biết, quan hệ nhiều hơn trên tiêu chí năng lực… Các DN quy mô vừa tuyển dụng nhân sự dựa trên quan hệ, quen biết ít nhất – chiếm 33%; trong khi tỷ lệ này cao hơn ở các DN nhỏ và lớn – chiếm tới 51-52%.

Biện minh cho việc chi trả chi phí “ngầm” và “lách luật” trong quản lý, các DN đưa ra một số thách thức để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật như gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy định; hoặc do các quy định có sự chồng chéo/mâu thuẫn và thay đổi thường xuyên, trong khi bản thân DN thiếu nhân lực chuyên trách để nắm bắt kịp thời các sự thay đổi đó.

Các vụ việc sai phạm nghiêm trọng của DN xảy ra gần đây đều được nhìn nhận là hệ quả của năng lực kiểm soát nội bộ, sự tuân thủ bộ quy tắc ứng xử còn yếu kém, thiếu minh bạch. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận sự tác động từ phía cơ chế vận hành, chính sách kinh tế và cơ quan nhà nước

Rõ ràng, nếu như không có sự thay đổi triệt để trong việc tuân thủ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ – trong đó không thể không nhắc đến sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và DN – thì “văn hoá kinh doanh liêm chính” sẽ vẫn là một chuẩn mực xa vời đối với giới doanh nghiệp Việt Nam.

Hoàng Giang

Xem thêm: