Kể từ sau khi Grab mua lại mảng kinh doanh của Uber và có được vị thế gần như độc quyền, nhiều người sử dụng dịch vụ phàn nàn rằng các chương trình khuyến mãi đã bị hãng này cắt giảm dần, trong khi giá cước tăng lên và người dùng bị “lái” sang dịch vụ thanh toán bằng ví điện tử GrabPay.

sieu ung dung Grab
(Ảnh minh họa: GrabPH Facebook)

“Lái” người dùng vào GrabPay

Gần đây, một số khách hàng phản ánh việc thanh toán cước sau mỗi chuyến đi của Grab đang có sự thay đổi đáng kể.

Theo đó, các khuyến mãi áp dụng khi thanh toán bằng tiền mặt hoặc trả qua thẻ tín dụng đều giảm hẳn, thay vào đó, giảm giá sử dụng cho hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử GrabPay lại được Grab thúc đẩy mạnh.

Cụ thể, một chuyến đi nếu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt thì sẽ có mức giá 60.000 đồng/chuyến, trong khi nếu thanh toán bằng phương thức GrabPay khách hàng chỉ phải mất 10.000 đồng/chuyến, thấp hơn 50.000 đồng so với hình thức thanh toán bằng tiền mặt.

Grab uu tien thanh toan qua Grabpay
(Ảnh chụp màn hình)

Một người dùng khác ở quận Bình Tân (TP.HCM) – chị M. cũng cho biết chị vẫn đang sử dụng thẻ tín dụng để trả tiền cho các chuyến đi của Grab mà chưa dùng GrabPay, mặc dù vậy, thời gian gần đây nhiều chương trình khuyến mãi của hình thức thanh toán này gần như bị cắt đứt và giá cước bị đẩy cao hơn so với trước.

Chị M. cho biết chị và nhiều đồng nghiệp không có nhu cầu sử dụng ví điện tử GrabPay, nhưng những động thái của Grab dường như có xu hướng “lái” người dùng vào ví điện tử GrabPay của hãng.

“Chiều chuộng” người dùng mới

Không chỉ thay đổi khuyến mãi nhằm vào phương thức thanh toán như trên, một số khách hàng lâu năm của Grab cũng phát hiện hãng này còn thay đổi cách thức khuyến mãi theo đối tượng khách hàng.

Cụ thể, nếu như là khách hàng mới họ sẽ luôn nhận được nhiều thông tin khuyến mãi chuyến đi của hãng trên app và qua email, nhưng khi đã trở thành khách hàng lâu năm, những chương trình khuyến mãi cũng xuất hiện với tần suất ngày một ít hơn.

Thậm chí, anh Q., một khách hàng thường xuyên của Grab đã vô cùng ngỡ ngàng khi phát hiện rằng cùng một chặng hành trình, giá cước mà anh đặt có sự chênh lệch đáng kể, thấp hơn tới vài chục ngàn đồng so với mức giá mà người dùng mới nhận được (khi anh nhờ một người thân – mới sử dụng dịch vụ vài tháng – trong gia đình đặt giúp xe).

Điều này khiến anh Q. cho rằng Grab ưu tiên và chiều chuộng người dùng mới để biến họ thành khách hàng trung thành, trong khi lại ít quan tâm hơn tới người dùng cũ – vốn đã hài lòng và tin tưởng dịch vụ của hãng từ trước đó.

Giảm cước ban đầu và âm thầm “hái quả” về sau

Một khi người dùng mới bị ấn tượng bởi nhiều chương trình khuyến mãi “khủng”, họ có xu hướng tin tưởng vào dịch vụ của hãng mà không một chút hoài nghi về mức giá. Quãng thời gian từ đó trở về sau mới là lúc mà Grab hái lại quả từ người dùng – sau khi đã biến họ trở thành khách hàng “ruột” của hãng.

Lý do, ứng dụng Grab thông minh hơn những gì chúng ta hình dung và tưởng tượng nó không đưa ra mức giá cố định theo chặng hành trình mà sẽ sử dụng thuật toán để phân tích dựa trên đối tượng khách hàng, tài xế và đưa ra mức giá phù hợp.

muc dich cua Grab
Đồng sáng lập Grab Tan Hooi Ling phát biểu tại RISE 2018 ở Hồng Kông. (Ảnh: Rise/Flickr)

Cụ thể, Grab tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để sàng lọc tài xế và tối đa hóa lợi nhuận của hãng. Cả khách hàng lẫn tài xế đều phụ thuộc vào một ứng dụng của Grab để nhận và đặt chuyến đi với một mức giá được chỉ định từ trước, và tính toán dựa trên nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận chứ không hề đưa ra một cách cố định.

Bên cạnh đó, Grab kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng 4.0, trong khi khả năng quản lý của cơ quan chức năng Việt Nam mới chỉ ở mức 0.4, do đó Grab khai báo thuế bao nhiêu chính phủ chỉ biết bấy nhiêu mà hoàn toàn không có cơ chế thanh tra, kiểm soát và tính toán được mức thuế bao nhiêu sẽ là phù hợp.

Thông qua những chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho người dùng khi thanh toán bằng GrabPay, Grab sẽ có được lượng lớn người dùng với thói quen chi trả bằng ví điện tử của hãng, đặt cơ sở quan trọng cho việc triển khai thanh toán di động trong dịch vụ vận chuyển, mua sắm tiêu dùng, cho vay và chuyển tiền ngang hàng (P2P)… trong tương lai của Grab.

Lúc đó, bất cứ một thao tác nhích nhẹ nào trong con số trước hàng đơn vị % của mức phí dịch vụ cũng đủ mang về cho hãng này những khoản lợi nhuận khổng lồ, mà thú vị hơn là cơ quan thuế và giới chức năng Việt Nam – với cơ sở hiểu biết hiện tại về công nghệ – khó lòng truy vết được số tiền thu được bao nhiêu và nó sẽ được chuyển về đâu. Nguy cơ chuyển giá, thất thu thuế cùng với rủi ro an ninh tiền tệ quốc gia là điều có thể nhận thấy được.

Tường Văn

Xem thêm: