Nhiều vấn đề tồn tại của Kinh tế – Xã hội Việt Nam năm 2017 và đầu năm 2018 vừa được Phó thủ tướng trường trực Trương Hòa Bình nêu ra tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14.

Sáng 21/5, tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội ở thủ đô Hà Nội, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 chính thức khai mạc.

Truong Hoa Binh
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình báo cáo tại Quốc hội sáng nay 21/5. (Ảnh: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp – VCCI)

Nhiều vấn đề tồn tại

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có khoảng 1 giờ đồng hồ trình bày về các vấn đề kinh tế xã hội Việt Nam năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.

Theo đó, bên cạnh những mặt đạt được về các chỉ số kinh tế vĩ mô, ông Bình cũng nhắc đến những mặt hạn chế tồn tại.

Về kinh tế vĩ mô:

  • Kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát.
  • Cải cách hành chính chưa có chuyển biến tích cực.
  • Công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước còn chậm, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký niêm yết trên thị trường.

Về chính sách – chi tiêu công:

  • Cân đối ngân sách Trung ương khó khăn, kỷ luật tài chính ngân sách Nhà nước một số nơi còn chưa nghiêm.
  • Giải ngân vốn đầu tư ngân sách còn hạn chế, 4 tháng đầu năm 2018 mới đạt 16,4% dự toán.
  • Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch có nơi còn nhiều bất cập.
  • Quản lý tài sản công nhiều nơi còn lỏng lẻo, phát hiện nhiều vụ việc thất thoát, lãng phí, vi phạm quản lý nhà đất nghiêm trọng.

Về doanh nghiệp – môi trường kinh doanh:

  • Công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại, tập trung vào phân khúc thấp trong chuỗi giá trị.
  • Ngành khai khoáng gặp khó khăn.
  • Tốc độ phát triển doanh nghiệp tăng chậm lại; doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực hoạt động và sức cạnh tranh còn thấp; kinh doanh hộ cá thể, gia đình vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân.
  • Công tác dự báo thị trường còn hạn chế, nhiều sản phẩm khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu cả về giá lẫn chất lượng.
  • Tình  trạng dư thừa nông sản như của cải, mía đường xảy ra rại một số địa phương do việc hình thành và phát triển chuỗi nông sản địa phương còn nhiều hạn chế.
  • Hàng xuất khẩu ngày càng phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ kỹ thuật của nước ngoài.

Về xã hôi:

  • Một số công trình bị chậm tiến độ và đội vốn.
  • Việc theo dõi, xử lý các quyết định sau thanh tra chưa cao, để xảy ra tình trạng khiếu nại của nhóm dân cư kéo dài diễn ra tại một số địa phương.
  • Tỷ lệ thất nghiệp ở trình độ Đại học, Cao đẳng còn cao.
  • Việc mở rộng, bao phủ bảo hiểm xã hội còn khó khăn.
  • Xảy ra một số vụ gây ô nhiễm môi trường, phá rừng nghiêm trọng.

‘Giấy phép con, cháu còn khá nhiều’

Báo cáo thẩm tra sáng 21/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay động lực phát triển của nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên như dầu khí, than…; kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Về môi trường kinh doanh, ông Thanh ghi nhận có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, tình trạng giấy phép con, cháu còn khá nhiều”, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, đặc biệt là tình trạng thất thoát tài sản công, đất công lớn vừa bị phát hiện trong thời gian qua.

Do đó, cơ quan này kiến nghị chấn chỉnh lại hoạt động quản lý, sử dụng đất công và quy hoạch đô thị đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.

Dự kiến Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 sẽ kéo dài trong 19 ngày và kết thúc vào ngày 15/6.

Tú Mỹ

Xem thêm: