Một ngân hàng thương mại cổ phần lớn, có một thời đã là huyền thoại với 7 triệu khách hàng, Thế nhưng nay có nguy cơ bị bán với giá 0 đồng! Bước thăng trầm nào đưa đến sự sụp đổ của huyền thoại này? Câu chuyện này cũng đáng là bài học đắt giá cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đông Á bank. Ảnh internet
Đông Á bank. (Ảnh: Internet)

Một huyền thoại ngân hàng cổ phần

Năm 1992, Ngân hàng TMCP Đông Á, thương hiệu DongA Bank được thành lập, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, tập trung nguồn lực hướng đến khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thời đó, DongA Bank nổi tiếng về sản phẩm dịch vụ mới như dịch vụ thanh toán quốc tế, chuyển tiền nhanh và chi lương hộ. DongA Bank là đối tác nhận vốn ủy thác từ tổ chức Hợp tác Quốc tế của Thụy Điển (SIDA), vốn tài trợ từ Quỹ Phát triển Nông thôn (RDF) của Ngân hàng Thế giới.

DongA Bank cũng là ngân hàng đầu tiên có đội bóng mang tên CLB Bóng đá Ngân hàng Đông Á.

DongA Bank cũng được biết đến là ngân hàng phát hành thẻ lớn, là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam sở hữu nhiều máy ATM hiện đại như máy ATM TK21. Hiện tại sở hữu hơn 1,100 máy giao dịch tự động ATM và gần 226 điểm chấp nhận thanh toán bằng Thẻ ATM (POS), có thể nhận và gửi tiền mặt ngay trên ATM. Với lượng khách sử dụng thẻ gần 6 triệu. Ưu điểm của thẻ Đa năng DongA Bank hơn hẳn các ngân hàng khác là mỗi lần rút tiền mặt được 10 triệu đồng, trong khi các ngân hàng khác tối đa chỉ 5 triệu đồng.

DongA Bank cũng tự hào là ngân hàng có hơn 7 triệu khách hàng sử dụng  từ các dịch vụ ngân hàng truyền thống đến các dịch vụ thanh toán tự động, Ngân Hàng Điện Tử eBanking, kiều hối, thanh toán quốc tế… với 240 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc.

Đã một thời DongA Bank nằm trong TOP 3 ngân hàng cổ phần đứng đầu của Việt Nam, sánh vai với ACB và Sacombank. DongABank cũng từng là ngân hàng Việt Nam duy nhất nằm trong mối quan tâm của CitiBank, một ngân hàng hàng đầu của Mỹ trong năm 2006 – 2007.  CitiBank đã thương lượng mua cổ phiếu của DongABank nhưng không thành, nếu thực sự trở thành đối tác của CitiBank thì biết đâu hôm nay đã không bị mất đi một huyền thoại.

Bước đường khó khăn vì vàng giảm từ 50 triệu còn 30 triệu đồng/lượng

Năm 2012-2014 tỉ lệ nợ xấu tăng cao kết hợp với giá vàng lao dốc không phanh và khi NHNN siết chặt quản lý vàng, từ gần 50 triệu đồng/lượng xuống còn 30 triệu đồng/lượng đã làm DongABank bị cú sốc nặng, khó cứu vãn.

Khi đó DongABank là một trong 5 ngân hàng được tham gia nhằm bình ổn thị trường vàng, được phép kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài. Đặc biệt Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện nắm giữ 7,7% cổ phần DongABank, nên việc kinh doanh vàng cũng thuận lợi.

Cũng do được kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài nên DongABank đã thất bại khi giá vàng quốc tế lao dốc không phanh từ mức  trên 1.600 USD/oz năm 2012 về mức 1.100 USD/oz năm 2013. Trong nước giá vàng cuối năm 2013, đã giảm gần 12 triệu đồng/lượng, nên những ngân hàng đầu tư kinh doanh vàng từ đầu năm 2013 thì đến cuối năm đã lỗ gần 25%.

Kinh doanh vàng thời kỳ này quá khó khăn, bị thua lỗ cộng với nợ xấu tăng cao, đầu tư bất động sản thua lỗ là 3 lý do chính làm DongABank đánh mất huyền thoại. Nếu như lãi sau thuế nghìn tỷ đồng vào năm 2011, thì đến năm 2014 lãi gần bằng không, trên sổ sách ghi lãi 35 tỷ đồng.

Năm 2015 bị đưa vào kiểm soát đặc biệt

Tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết luận thanh tra và quyết định kiểm soát đặc biệt đối với DongA Bank vì đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, kinh doanh.

Khi đó, NHNN cũng đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank của ông Trần Phương Bình, chức vụ Phó tổng giám đốc của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân và cử các cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực quản trị tiếp quản và nắm các vị trí chủ chốt, quản trị, điều hành để chỉ đạo xây dựng đề án tái cơ cấu, củng cố toàn diện tổ chức và hoạt động của DongA Bank.

12/2016 bắt nguyên lãnh đạo của DongA Bank

Ngày 9/12/2016  Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và một số nhân viên liên quan về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định của Bộ luật hình sự.

DongABank về đâu?

Ngay sau khi ông Bình bị bắt NHNN đã lên tiếng đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, NHNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm hoạt động của DongA Bank được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ cơ cấu lại toàn diện DongA Bank.

Hiện các chỉ tiêu tài chính của nhà băng này đã được cải thiện và có mức tăng trưởng khả quan, khách hàng tiếp tục tín nhiệm trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhà băng này.

Theo kế hoạch trong 2 năm tới sẽ xử lý xong nợ xấu của các ngân hàng thì DongABank cũng có cơ hội. DongABank được quyền tìm kiếm đối tác chiến lược để khắc phục tình hình tài chính. Còn trong trường hợp bất khả kháng, NHNN có thể mua 0 đồng hoặc cho phá sản.

Câu chuyện huyền thoại DongABank thực sự để lại dấu ấn, kinh nghiệm cho quản lý kinh tế.

Tâm Sáng

Xem thêm