Ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2017 tiếp tục hụt thu khiến tình hình bội chi khó có khả năng cải thiện, trong bối cảnh áp lực chi thường xuyên cao đã đẩy nợ công đến ngưỡng nguy hiểm 65% GDP.

ngan sach nha nuoc
(Ảnh qua: ndh.vn)

Hụt thu ngân sách 3 năm liên tiếp

Trong báo cáo ‘Thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018’, Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội chỉ ra mặc dù thu ngân sách nhà nước (NSNN) về tổng thể có tăng, nhưng phần tăng chủ yếu là ngân sách địa phương, trong khi thu NSTW liên tục giảm. Đây là năm thứ ba liên tiếp NSTW bị hụt thu (năm 2015 hụt thu 2.144 tỷ đồng, năm 2016 hụt thu 321 tỷ đồng).

Đóng góp phần hụt thu đáng kể là khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tỷ lệ thu giảm mạnh (-7,7%) so với dự toán. Ngoài ra, số thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của DNNN, tiền bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm đạt thấp hơn nhiều so với dự toán; đặc biệt là thu bán vốn Nhà nước mới chỉ đạt 16,7%. Điều này thể hiện việc phối hợp triển khai kế hoạch thoái vốn Nhà nước giữa các bộ, ngành hiệu quả chưa cao.

>> Tăng thuế VAT thêm 2% không thể bù bội chi ngân sách

Nâng bội chi ngân sách cần có “căn cứ thuyết phục hơn”

Đối với việc Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2018 khoảng 3,7% GDP, tăng 0,2% so với năm 2017. Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc nâng mức bội chi NSNN năm 2018 cao hơn năm 2017 cần có “căn cứ lý giải thuyết phục hơn”.

“Một số ý kiến đề nghị cân nhắc giảm mức bội chi xuống 3,5% GDP như năm 2017, theo đó đề nghị Chính phủ rà soát, cắt giảm những khoản chi thường xuyên và chi đầu tư chưa thật sự cần thiết, các khoản bố trí không đúng quy định, tích cực thu hồi nợ thuế,” Uỷ ban Tài chính ngân sách yêu cầu.

boi chi ngan sach
Mức bội chi ngân sách qua các năm (ĐVT: ngàn tỷ đồng)

Chi thường xuyên tăng áp lực nợ công

Mặc dù dự toán nợ công vẫn trong giới hạn cho phép nhưng Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng Chính phủ cần kiên quyết soát chặt chẽ, báo cáo rõ số tiền đã ứng để trả thay các dự án vay về cho vay lại; bảo lãnh vay không trả được nợ của Chính phủ.

>> Tại sao nợ công của Việt Nam quá ‘xấu’ và ‘nguy hiểm’?

Bởi lẽ bức tranh về NSNN năm 2018 không nhiều khả quan, thiếu vững chắc do tỷ lệ huy động GDP thông qua thuế, phí vào NSNN ngày càng giảm, tỷ lệ thu nội địa tăng thấp, bội chi có xu hướng tăng, khả năng trả nợ gốc của NSTW còn hạn chế.

“Đây thực sự là những khó khăn cần tập trung khắc phục trong những năm tới, bảo đảm việc hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 đã đề ra, đặc biệt không để vượt mức trần nợ công 65% GDP đã được Quốc hội quyết định,” báo cáo nêu.

no cong tren GDP
Tỷ lệ Nợ công/GDP đã tiệm cận vùng nguy hiểm 65% GDP (Số liệu: tradingeconomics.com | Đồ họa: Trithuc VN)

Bên cạnh đó, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn so với thu ngân sách. Năm 2018, Chính phủ tiếp tục đề xuất phân bổ nguồn vốn cho chi thường xuyên năm 2018 lại tăng từ 5-6%, đặc biệt có lĩnh vực y tế tăng tới 56,1%. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường đều có dự toán chi tăng cao hơn năm 2017 nhưng chưa có giải trình thiết thực về phương án cải thiện chất lượng, phát huy hiệu quả.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: