Bộ Tài chính vừa tiếp tục công bố dự thảo về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường, trong đó vẫn giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu lên 3.000 – 8.000 đồng/l.

Ngoài ra, khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng nhiên liệu bay cũng có mức trần tối đa là 6.000 đồng/l, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 4.000 đồng/l.

Hiện khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng đang là 1.000 – 4.000 đồng/l. Mức đang áp dụng thực tế là 3.000 đồng/l.

Đề xuất tăng khung thuế lên 3.000 – 8.000 đồng mỗi lít trước đó đã vấp phải phản ứng từ các hiệp hội, giới chuyên gia và người tiêu dùng. Gần đây nhất, tháng 6/2017, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) gửi văn bản tới Bộ Tài chính nêu ý kiến rằng biểu khung thuế dự kiến trong tờ trình (mức trần 8.0000 đồng/l) là quá cao.

VINPA đề nghị mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng nâng từ 3.000 đồng/l lên tối đa 5.000 đồng/l; dầu diesel nâng từ 1.500 đồng/l lên tối đa 3.000 đồng/l; nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/l lên 5.000 đồng/l và dầu madut từ 900 đồng/kg lên tối đa 3.000 đồng/kg.

Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam – ông Vũ Ngọc Bảo cho rằng việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu “sẽ làm thui chột động lực sản xuất của doanh nghiệp, không để nguồn thu có thời gian tái tạo“, trên Báo Tuổi trẻ.

TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay ngoài vì mục đích giải quyết môi trường thì đây là bài toán cân đối thu chi Ngân sách mà Nhà nước đang giải khi bị mất một nguồn thu lớn là nguồn thu từ nhập khẩu khi tham gia vào hội nhập kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia kinh tếĐinh Thế Hiển cho hay việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ tác động trực tiếp lên đời sống của người lao động, đặc biệt là người lao động có thu nhập từ trung bình trở xuống, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn có giá trị gia tăng chưa cao.

Thuế bảo vệ môi trường tăng mà người dân không được biết tiền đóng đi đâu thì rất khó nhận được sự ủng hộ. Còn vin nguồn thu khó quá để tăng thuế thì càng không được sự ủng hộ”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho hay.

Tháng 4/2017, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/l.

Theo kế hoạch, tháng 6, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự án luật; tháng 10, dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua.

Theo số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong khi nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường tăng gấp 4 lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần.

Cụ thể, trong 5 năm liên tiếp, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường tăng từ 11.160 tỷ đồng (2012) lên 11.512 tỷ đồng (2013), 11.970 tỷ đồng (2014), 27.020 tỷ đồng (2015), 42.393 tỷ đồng (2016).

Số thu từ thuế bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng khoảng 1,5% – 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỷ trọng khoảng 0,3% – 0,9% trên GDP hàng năm.

Trong khi đó, số chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ đồng (2012) lên 12.290 tỷ đồng sau 5 năm và chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách.

Đề xuất chọn phương án bổ sung quy định mức thuế bảo vệ môi trường

Cũng trong bản dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất chọn phương án bổ sung quy định mức thuế bảo vệ môi trường. Theo Bộ Tài chính là để khuyến khích việc sản xuất và sử dụng xăng, dầu sinh học E5, E10, B5, B10 và thống nhất với quy định của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cụ thể, đối với xăng E5 và dầu B5, mức thuế cụ thể bằng 80% mức thuế cụ thể của xăng gốc hóa thạch và dầu diesel tương ứng. Đối với xăng E10 và dầu diesel B10, mức thuế cụ thể bằng 70% mức thuế cụ thể của xăng gốc hóa thạch và dầu diesel tương ứng.

Theo phương án này, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng gốc hóa thạch là 3.000 đồng/l thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 là 2.400 đồng/l (tương đương 80%, giảm 600 đồng/l so với xăng hóa thạch) và mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E10 là 2.100 đồng/lít (tương đương 70%, giảm 900 đồng/l so với xăng gốc hóa thạch).

Trong trường hợp phát sinh xăng, dầu sinh học mới, Chính phủ sẽ căn cứ mức thuế đối với xăng, dầu gốc hóa thạch tương ứng và tỷ lệ etanol trong xăng, dầu sinh học để quy định mức thuế cho phù hợp với lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

Hiện giá xăng sinh học không chênh lệch nhiều so với các loại xăng khoáng. Mức chênh lệch chỉ khoảng 200-500 đồng/l và được đánh giá là chưa hấp dẫn người tiêu dùng.

Vĩnh Long