Ông Nguyễn Văn Xa, nguyên Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho hay bất cập về chính sách đất đai gây nên hệ lụy khiếu kiện kéo dài, nguồn thu ngân sách sụt giảm; theo đó, việc xây dựng Bộ Luật đất đai mới nên giao cho cơ quan lập pháp thay vì giao bên hành pháp để tránh tình trạng làm luật có lợi cho mình.

TPHCM nhìn từ trên cao
Khu quận 1, TP.HCM nhìn từ trên cao. (Ảnh: Zapp2Photo/Shutterstock)

Tại hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP.HCM” do UBND TP.HCM tổ chức sáng 22/11, Phó tổng Cục quản lý đất đai (Bộ TN-MT) Đào Trung Chính cho biết Bộ đang xem xét đẩy bảng giá đất lên, nhưng như thế đồng nghĩa với mức thuế mà người dân và doanh nghiệp phải nộp sẽ tăng lên. Vì vậy, cơ quan chức năng phải xem lại các tỷ lệ, nếu thuế quá cao thì không khuyến khích, thu hút được đầu tư.

Dẫn số liệu, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết giá đất nhà nước ban hành hiện chỉ được 30-40% giá thị trường. Tức là giá đất Bộ trình Chính phủ mức cao nhất là 340 triệu/m2 trong khi thực tế phải 800-900 triệu/m2. Theo ông Võ, điều này khiến ngân sách thất thoát, còn nhà đầu tư thì được lợi một cách vô lý.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng cần phải sớm hoàn chỉnh hệ thống thu ngân sách từ đất. Ở các nước công nghiệp phát triển, nguồn này luôn chiếm 50-90% tổng thu ngân sách địa phương, còn Việt Nam chỉ được khoảng 10%. Riêng TP.HCM, dù giá đất vào loại cao nhất nước nhưng số tiền thu từ đất chưa tới 5% ngân sách.

Từ góc độ khác, ông Nguyễn Văn Xa, nguyên Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính) nói rằng sự bất cập từ giá đất, việc thu hồi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đã khiến nguồn thu cho nhà nước bị sụt giảm và khiếu kiện kéo dài.

Ông Xa cho hay các cơ quan nhà nước đang quản lý đất bằng biện pháp hành chính, thu hồi rất nhiều mà không để doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận, việc đấu giá đất chưa đảm bảo minh bạch. Điều này làm mất đi sự sáng tạo, năng động trong sử dụng đất bởi không phải địa phương nào cũng có nguồn lực để thu hồi, bồi thường.

“Tôi cho rằng cần xây dựng Bộ Luật đất đai mới với tiêu chí đơn giản, dễ hiểu và thống nhất. Việc xây dựng nên giao cho cơ quan lập pháp chứ không nên giao bên hành pháp để tránh tình trạng làm luật có lợi cho mình”, ông Xa đề xuất.

Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho hay tại các nước công nghiệp phát triển, nguồn thu từ đất chiếm 50 – 90% tổng thu ngân sách địa phương. Tại TP.HCM, năm 2019, dự toán thu từ đất là 14.900 tỷ đồng nhưng ước tính thu chỉ 11.000 tỷ đồng, chỉ đạt gần 74% so với dự toán. So với năm 2016, dự toán thu 16.500 tỷ đồng và thực thu 17.000 tỷ đồng, đạt 103%. So với tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016 – 2020, tổng thu từ đất ở TP.HCM chỉ chiếm 3 – 5% tổng thu, một con số quá nhỏ so với tiềm năng thu từ đất ở TP.HCM.

Ông Thắng cũng cho biết sau 6 năm có hiệu lực, Luật đất đai 2013 đã bộc lộ sự thiếu nhất quán ngay trong nội bộ của Luật này, và giữa luật này với các luật khác có liên quan như Luật Đấu thầu, đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý tài sản công đã tác động đến việc giao đất, cho thuê đất, thực hiện các dự án đầu tư.

Đáng chú ý, ông Thắng cho biết tài chính đất đai là một yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý đất đai đô thi, nhất là đô thị như TP.HCM. Do giá đất quá cao nên một quyết định hành chính về đất đai có thể mang lại lợi ích hoặc làm mất đi lợi ích tới vài ngàn tỷ đồng.

Theo kết quả thống kê đất đai trên địa bàn TP.HCM năm 2018, tổng diện tích tự nhiên là 209.539 ha, trong đó nhóm đất nông nghiệp có diện tích 114.007 ha, chiếm 54,41%; nhóm đất phi nông nghiệp có diện tích 94.604 ha, chiếm 45,15%; nhóm đất chưa sử dụng chỉ còn 927,4 ha, chiếm 0,44%.

Trong tổng diện tích đất nói trên, 162.270 ha đang được sử dụng, chiếm 77,46%; 47.234 ha đang được giao để quản lý chưa được đưa vào sử dụng, chiếm 22,54%.

Sơn Nguyên

Xem thêm: