Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, sản lượng thịt lợn trong năm 2019 giảm 380.000 tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018. Mức giá bán lẻ đang tăng lên gần gấp 4 lần và chưa có dấu hiệu dừng lại do nguồn cung thiếu hụt lớn.

thiếu thịt lợn
Bộ Công Thương đề xuất giám sát, hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng; định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt lợn đông lạnh… để giảm sức ép cho thị trường thịt lợn hơi. (Ảnh minh họa/David Tadevosian/Shutterstoc)

Dẫn số liệu của Tổng cục thống kê, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Cụ thể, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018; tổng lượng thịt các loại trong năm 2019 ước 5,14 triệu tấn, giảm 4,1% so với năm 2018, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Từ tháng 6/2019, giá mặt hàng thịt lợn bắt đầu tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay với mức tăng khoảng 25-30% so với tháng 9, hiện vẫn đang ở mức giá khá cao.

Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã thống nhất sơ bộ số liệu, dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn, tức bình quân mỗi tháng sẽ thiếu 70.000 tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12, và tháng 1).

Để cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn các tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu thịt lợn từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đề xuất giám sát, hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng; định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tăng cường đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn mới (như thịt kho tàu, nhân bánh trưng, chân giò muối…) được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay cho thịt nóng…

Tại cuộc họp ngày 19/11, Cục Chăn nuôi đưa ra số liệu thống kê cho hay vào tháng 2/2019 (thời điểm dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát), giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam lần lượt là 46.151 đồng/kg và 51.750 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Trung Quốc cùng thời điểm là 41.230 đồng/kg.

Đến tháng 11/2019, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam lần lượt ở mức 66.500 đồng/kg và 63.500 đồng/kg, tăng gấp 1,4 lần và 1,2 lần. Tại Trung Quốc, giá lợn hơi tăng lên mức kỷ lục là 137.238 đồng/kg, gấp 3,3 lần.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết thực tế giá lợn hơi bình quân khoảng 70.000 đồng/kg, thịt ba chỉ có nơi đã 200.000 đồng/kg (gấp 3,8 lần), do qua buôn bán trung gian.

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai – ông Nguyễn Trí Công nhận định giá thịt lợn sẽ tiếp tục leo thang bởi sự thiếu hụt nguồn cung, không chỉ tại Việt Nam mà cả thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu công bố hồi tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 62/63 tỉnh, thành với hơn 3,3 triệu con heo buộc phải tiêu hủy. Một tỉnh duy nhất là Ninh Thuận chưa có dịch. Diễn biến của dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại gây tình trạng lợn chết hàng loạt và khó có thể tái đàn.

Nguyễn Quân

Xem thêm: