Ngày 4/9 vừa qua, giá trị thị trường của Amazon đã lần đầu tiên chạm mốc 1 nghìn tỷ đô la, biến họ trở thành công ty thứ hai của Hoa Kỳ có trị giá 13 chữ số.

Jeff Bezos
(Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Không ngạc nhiên, công ty đầu tiên làm được điều này là người khổng lồ Apple vào ngày 2/8 mới đây. Cả hai ông lớn đã góp phần đẩy chỉ số chứng khoán Nasdaq vượt mức 8.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử.

Nhưng trong khi Apple vươn tới 1 nghìn tỷ Mỹ kim bằng cách thống trị các sản phẩm công nghệ hào nhoáng, thì Amazon lại kiếm tiền từ nhiều kênh khác nhau. Hiện nay, Amazon đang chuẩn bị áp dụng công thức chiến thắng của mình cho ngành công nghiệp quảng cáo số trị giá 88 tỷ đô la đang rất chật chội hiện nay.

Câu chuyện của 2 nghìn tỷ đô: Amazon và Apple

Apple, công ty ưa thích của nhà đầu tư tài ba Warren Buffett, tiến bước chậm, chắc và dần tạo ra lợi nhuận, còn Amazon tiến nhanh hơn. Họ sử dụng lợi nhuận thu từ bán lẻ được để đầu tư mạnh tay, chấp nhận lỗ về tổng thể để đánh bại các đối thủ và thống trị thị trường trên quy mô thế giới. Cả hai cách đều hiệu quả – nhưng cách của Amazon hái quả nhanh hơn

Amazon chạm mốc 1 nghìn tỷ đô 21 năm sau ngày IPO, nhanh hơn Apple 17 năm. Nhà bán sách trực tuyến phát triển rất nhanh: họ tăng từ 600 tỷ đô tới 700 tỷ đô trong 16 ngày, trong khi với Apple là 1 năm và 257 ngày.

Apple bắt đầu kinh doanh vào tháng 12 năm 1980 nhưng cổ phiếu của hãng không thực sự cất cánh mãi cho tới 25 năm sau đó, khi chiếc iPhone ra đời và khiến các đối thủ phải khổ sở chạy theo.

Amazon được CEO Jeff Bezos thành lập trong một nhà để xe năm 1994 – bắt đầu bán cổ phiếu trên sàn vào ngày 15/5/1997 với giá 1,5 đôla. Tới tháng 10/2009, cổ phiếu Amazon đạt mốc 100 đô và rồi 1.000 đô ngày 30/5/2017. Ngày 30 tháng 8 năm 2018, cổ phiếu Amazon lần đầu tiên chạm mốc 2.000 đô la.

>> Tỷ phú Jeff Bezos của Amazon đã khởi nghiệp như thế nào?

Con đường khác nhau, thành quả khác nhau

Chiến lược của Apple là làm giàu bằng các sản phẩm công nghệ có giá trị cao dẫn đầu thị trường, hiển nhiên đã phát huy tác dụng: họ giờ đây kiểm soát hơn 50% thị phần điện thoại thông minh toàn thế giới với phần lớn công lao thuộc về cỗ máy in tiền iPhone X.

Amazon, trái lại, đang thống trị mảng thương mại trực tuyến (cứ 1 đô la người dùng Mỹ chi ra thì có 49 cent là cho Amazon) và lưu trữ thông tin. Hiện nay, họ cũng đã tạo ra những bước nhảy vọt trong giao nhận thực phẩm, giải trí và chăm sóc sức khỏe.

Nếu bạn đầu tư 1.000 đô la vào Apple khi nó mới IPO, bạn sẽ kiếm được 527 nghìn đô la hôm nay. Cũng với mức đầu tư ấy vào Amazon sẽ thu về 1,2 triệu đô – và chỉ phải chờ đợi trong 17 năm.

Chiến trường mới – quảng cáo trực tuyến

Hiện nay, Amazon đang sẵn sàng để nhảy vào thị trường quảng cáo trực tuyến vốn đã rất chật hẹp. Hai đối thủ lớn nhất là Google và Facebook hiện đang chiếm trên 50% thị phần của miếng bánh 88 tỷ đô.

>> Trump nhăm nhe Amazon, không phải Facebook

Quảng cáo là cột trụ trong kinh doanh của Facebook và Google, nhưng nó lại chỉ là một bộ phận tại Amazon – vốn đang tăng trưởng 130% mỗi năm trong thời gian qua. Lợi thế của Amazon chính là dữ liệu người mua hàng khổng lồ và khả năng tiếp cận với hàng trăm triệu người dùng thông qua kênh bán hàng trực tuyến đã quá nổi tiếng của họ, điều mà Google và Facebook không hề có.

Bản thân Amazon cũng đang đầu tư mạnh tay vào quảng cáo, và với biên lợi nhuận khủng của lĩnh vực này, cái ngày Amazon vượt mặt Apple trở thành công ty giá trị nhất nước Mỹ có lẽ không còn xa.

Theo The Hustle
Quốc Hùng tổng hợp