Như báo chí đưa tin, lại thêm một vụ mất 100 triệu đồng trong tài khoản thẻ tại ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).  Agribank đang phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, trước mắt đã có  văn bản thông tin cụ thể về sự việc trên. Câu chuyện này thêm một lần nữa là bài học để phòng ngừa rủi ro cho chúng ta.

(Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)

Theo Agribank, khách hàng Nguyễn Thanh Huy nhận được tin nhắn tự động gửi vào điện thoại lúc đầu giờ ngày 20/11/2016 báo tài khoản tiền gửi mở tại Agribank chi nhánh Gia Định bị trừ số dư 100 triệu đồng, với 20 tin nhắn báo đã rút tiền thành công, mỗi lần rút 5 triệu đồng. Anh Huy đã đến ngân hàng để phản ánh.

Sau khi nhận được khiếu nại, Agribank đã khẩn trương rà soát kiểm tra ngay thông tin lịch sử giao dịch thẻ của khách hàng. Kết quả, Agribank ghi nhận thẻ của Nguyễn Thanh Huy đã thực hiện 20 giao dịch rút tiền (mỗi giao dịch 5 triệu đồng) trong khoảng thời gian từ 23:51:01 ngày 19/11/2016 đến 00:10:13 ngày 20/11/2016 tại máy ATM đặt tại số 485 Trần Hưng Đạo, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Ngày 22/11/2016, Agribank chi nhánh Gia Định đã làm việc trực tiếp với khách hàng Nguyễn Thanh Huy để phối hợp hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Bước đầu, Agribank đã hướng dẫn Anh Huy hoàn thiện các thủ tục khiếu nại để có cơ sở thực hiện các bước tra soát khiếu nại theo quy định hiện hành của Agribank và của Ngân hàng Nhà nước.

Về phía Agribank đang khẩn trương tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan  để điều tra xác định nguyên nhân. Ngay sau khi có kết quả điều tra, nếu nguyên nhân không liên quan đến khách hàng, Agribank sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền tổn thất cho khách hàng Nguyễn Thanh Huy trong thời gian sớm nhất.

Thời báo Ngân hàng cũng cho biết, về thông tin phản ánh khách hàng liên tục gọi lên tổng đài của Agribank nhưng đến trưa mới có nhân viên nghe máy, Agribank đã kiểm tra lịch sử cuộc gọi đến của tổng đài 1900558818. Theo đó, tổng đài của Agribank ghi nhận khách hàng có gọi đến đường dây nóng 1900558818 nhiều lần tuy nhiên khách hàng đã không bấm phím kết nối tổng đài viên. Qua kiểm tra, tổng đài viên của Agribank chỉ nhận và trả lời 2 cuộc gọi đến từ số điện thoại 0908***335 của khách hàng Nguyễn Thanh Huy vào lúc 12:31:59 và 15:57:45 của ngày 20/11/2016.

Về mức độ an toàn bảo mật thông tin khách hàng trên hệ thống thẻ của Agribank, Agribank cam kết và khẳng định thông tin dữ liệu thẻ của khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ của Agribank nói chung và thông tin thẻ của khách hàng Nguyễn Thanh Huy nói riêng đều được mã hóa, đảm bảo an toàn và bảo mật trên hệ thống của Agribank.

Hệ thống thẻ hiện nay Agribank đang sử dụng do đơn vị nước ngoài có uy tín cung cấp, đáp ứng chuẩn bảo mật quốc tế (PCI DSS) và đã được các Tổ chức thẻ quốc tế cấp chứng nhận. Ngoài ra, 100% hệ thống máy ATM của Agribank (2.500 máy ATM) trên toàn quốc đều được trang bị phần cứng và chương trình phần mềm phòng chống sao chép thông tin thẻ.

Làm gì để có thể hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản?

Thẻ tín dụng đang là một phương tiện chi trả tương đối phổ biến, đặc biệt khi thương mại điện tử phát triển thì việc mua bán hàng hóa chủ yếu thanh toán bằng thẻ tín dụng. Nhưng gần đây có nhiều rủi ro xảy ra, làm gì để hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản của mình là điều chúng ta nên quan tâm để phòng tránh?

Như từ câu chuyện này cho thấy tội phạm có thể thực hiện lệnh rút tiền, hoặc thanh toán qua thẻ khi chủ thẻ để lộ các thông tin tin cá nhân gồm họ tên, số chứng minh thư, địa chỉ.. thông tin thẻ gồm số thẻ, số pass, mẫu chữ ký….

Hiện tại, việc an toàn thông tin cá nhân chưa được coi trọng.  Thẻ cũng như tiền vì vậy cần luôn giữ thẻ bên mình, không để lộ thông tin thẻ, đặc biệt với thẻ tín dụng vì có thể bị lợi dụng thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn và ba số phía sau thẻ) để mua hàng trên mạng, hoặc rút tiền từ tài khoản. Để tránh lộ thông tin có thể tham khảo ý kiến chuyên gia sau đây:

Không đưa cho người khác cầm thẻ thanh toán của mình

Ví dụ khi đi ăn ở nhà hàng, bạn thanh toán bằng thẻ, nhưng rất ít người tự đến quầy thanh toán để quẹt thẻ, thường đưa thẻ cho người phục vụ đi thanh toán và chờ họ mang thẻ trả lại trong thời gian đủ để tội phạm có thể sử dụng điện thoại để chụp lại các thông tin trên thẻ rất dễ dàng.

Trường hợp muốn an toàn hơn, chủ thẻ tín dụng nên khóa chức năng thanh toán online, khi nào cần mới mở ra sau đó lại yêu cầu khóa lại. Như vậy lỡ chủ thẻ có bị lộ thông tin thì kẻ gian dùng cũng không thể thanh toán được.

Không chụp ảnh thẻ thanh toán gửi qua điện thoại

Còn có trường hợp chụp ảnh cả 2 mặt thẻ visa gửi cho bạn qua điện thoại để nhờ bạn đặt mua hàng trên mạng, ảnh thẻ lưu truyền trên mạng không được bảo mật, nếu lọt vào tay người xấu thì chắc chắn bạn sẽ bị mất tiền.

Bảo vệ máy tính khỏi phần mềm gián điệp

Các loại phần mềm độc hại có thể xâm nhập, lấy các thông tin cá nhân và thông tin thẻ, khi bạn mua hàng trực tuyến thì toàn bộ các thông tin đó sẽ được gửi về cho tội phạm.

Đã có nhiều cảnh báo về các máy tính Trung Quốc có cài đặt sẵn phần mềm gián điệp. Vì vậy, cần lựa chọn loại máy tính, hoặc tránh bị nhiễm độc các loại phần mềm này theo nhiều cách khác nhau như bấm vào một liên kết trên Internet và tải về hoặc đi theo một email dưới dạng tập tin đính kèm. Không nên truy cập vào các trang web ít tên tuổi, không nghe mời gọi nhấn vào các đường dẫn lạ. Máy tính cần thường xuyên được quét virus với bản cập nhật mới nhất.

Thận trọng ngay cả với chiếc máy ATM

Hacker sẽ tìm cách lắp camera để quay lại mã pin 4 số của người sử dụng và ghi lại dữ liệu trên thẻ ATM sau đó sẽ tạo ra những chiếc thẻ ATM giả để rút tiền. Trường hợp này đã từng xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Các ngân hàng đã hướng dẫn cách đơn giản nhất để hạn chế tối đa tình trạng này là cần quan sát kỹ nếu thấy cây ATM có gì khác lạ không và  bạn hãy dùng tay che lại khi nhập mật khẩu thẻ.

Không đặt mật khẩu quá dễ dàng

Ngoài ra, đừng đặt mật khẩu thẻ trùng với ngày sinh nhật của bạn hoặc người thân, cũng như là các con số gợi nhớ và có liên quan, bởi tội phạm có thể dò ra dễ dàng. Như trường hợp anh Quỳnh ở Nghệ An, ngày 9/11/2015 bị rơi ví cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân, đã bị người lạ nhặt được thẻ ATM và rút sạch tiền, do mật khẩu thẻ ATM được đặt theo ngày, tháng, năm sinh nên người nhặt được chiếc ví đã dò ra mật khẩu từ chứng minh nhân dân. Cũng không nên giữ mật khẩu quá lâu, khi nghi ngờ nên phải thay đổi.

Nên đăng ký dịch vụ thông báo số dư

Như trường hợp của Anh Huy, khi có tin nhắn thì biết bị rút tiền để kịp thời gọi điện ngân hàng ngăn chặn rút tiền ngay, có thể giảm được thiệt hại. Tuy nhiên tội phạm đã tính toán thời gian giữa 2 ngày để rút được 100 triệu, vì ngân hàng chi cho rút tối đa không quá 50 triệu/ngày, vào thời điểm đó ngân hàng không làm việc nên không báo dừng giao dịch được, còn trong các thời gian khác khi gọi điện đến ngân hàng sẽ chặn được giao dịch.

Đây lại thêm một bài học về an toàn thẻ, kỳ vọng cả phía ngân hàng và phía chủ thẻ cần thực hiện tốt việc bảo mật thông tin để hạn chế được rủi ro mất tiền trong tài khoản của người gửi.

Tâm Sáng

Xem thêm: