Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 19,8 tỷ USD, nhưng lại nhập khẩu từ thị trường này 42,5 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ 2018.

xuat khau trung quoc giam manh
(Ảnh minh hoạ của Getty Image)

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan trong tháng 7/2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 7/2019 đạt 45,92 tỷ USD, tăng 12,2% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 22,98 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước; nhập khẩu đạt 22,94 tỷ USD, tăng 17,7%.

Trong 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 289,26 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 145,48 tỷ USD, tăng 7,8% và nhập khẩu đạt 143,78 tỷ USD, tăng 8,6%.

Screen Shot 2019 08 27 at 11.27.04 AM
Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu theo châu lục, khối nước và một số thị trường lớn 7 tháng đầu năm 2019 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (65,3%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu trong 7 tháng năm 2019 với thị trường này đạt 188,98 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó trị giá xuất khẩu là 73,72 tỷ USD, tăng 3% và trị giá nhập khẩu là 115,26 tỷ USD, tăng 9,1%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Âu: 38 tỷ USD, tăng 3,5%; châu Đại Dương: 5,5 tỷ USD, tăng 7,7% và châu Phi: 4,07 tỷ USD, giảm 4,7% so với 7 tháng/2018.

Xuất khẩu hàng hoá: Điện thoại, máy tính, linh kiện vào thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh

Tổng trị giá xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm tăng 7,8%, tương ứng tăng 10,48 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

image003
10 nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng lớn nhất về trị giá trong 7 tháng/2019 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh bao gồm:

Điện thoại các loại và linh kiện: Tính đến hết tháng 7/2019, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 27,48 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, đặc biệt xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 4,88 tỷ USD tăng tới 77,8% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu nhóm hàng này sang EU (28 nước) đạt 7,25 tỷ USD, giảm 6,9%.

Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện: Trị giá xuất khẩu nhóm hàng này 7 tháng năm 2019 đạt 18,56 tỷ USD tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang thị trường Hoa Kỳ đạt 2,86 tỷ USD, tăng mạnh tới 84,7% so với cùng kỳ; sang Trung Quốc đạt 4,7 tỷ USD, tăng 7,5%; trong khi sang thị trường EU (28 nước) đạt 2,82 tỷ USD, giảm 8,1%.

Hàng dệt may: Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 7 đạt 3,3 tỷ USD, tăng 14,5% so với tháng trước. Qua đó, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng năm 2019 lên 18,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết tháng 7/2019, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 8,49 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm 46,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: Tính đến hết tháng 7 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 9,77 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong 7 tháng từ đầu năm 2019 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 2,48 tỷ USD, tăng 49,6%; EU (28 nước) đạt trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 21,9%; Nhật Bản với 1,09 tỷ USD, tăng 5,4%; Hàn Quốc với 857 triệu USD, tăng 20,9% so với cùng thời gian năm 2018…

Gỗ và sản phẩm gỗ: Tính đến hết tháng 7 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 5,69 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm Hoa Kỳ với trị giá 2,7 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản với 735 triệu USD, tăng 18,3%.

Nhập khẩu hàng hoá: hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến

Tính đến hết tháng 7/2019, trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 143,78 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm 2018 tới 11,39 tỷ USD, tương ứng tăng 8,6% so với cùng kỳ. Các mặt hàng tăng chủ yếu là: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng; ô tô nguyên chiếc các loại; dầu thô; than các loại.

Trong số các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến trong 7 tháng đầu năm, máy móc, thiết bị, phụ tùng; sản phẩm máy vi tính, điện tử và linh kiện và nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày… được nhập khẩu nhiều nhất với kim ngạch lần lượt hơn 8 tỷ USD, 7 tỷ và 6,7 tỷ USD. 

So với cùng kỳ 2018, dữ liệu nhập các mặt hàng này tăng tương ứng hơn 49%, 66% và 11%.

image005
10 nhóm hàng nhập khẩu đạt mức tăng về trị giá lớn nhất trong 7 tháng/2019 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với gần 3,5 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2018. 

Hóa chất và sản phẩm từ hóa chất, Trung Quốc cũng chiếm vị trí số một với kim ngạch trên 1,8 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Các chuyên gia cho rằng việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc phá giá là một trong những nguyên nhân khiến lượng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh do hàng hoá Trung Quốc trở nên rẻ hơn.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: