Số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang đóng góp 40% GDP, tạo ra hơn 60% việc làm nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Có đến quá nửa số doanh nghiệp này vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng.

sap tien vnd 120012425
Vấn đề giải quyết nguồn vốn cho DNNVV vẫn chưa tìm được lối ra. (Ảnh: Justin Mott/Bloomberg qua Getty Images)

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng DNNVV hiện chiếm hơn 97% tổng số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, nhu cầu vốn của nhóm này là rất lớn, tuy nhiên có tới 60% DNNVV lại chưa tiếp cận được vốn vay.

Đó là thực trạng đáng lo ngại được nêu ra tại diễn đàn doanh nghiệp diễn ra mới đây.

Theo Chủ tịch VCCI ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam xếp hạng 29/190 nền kinh tế về chỉ số tiếp cận tín dụng, tuy nhiên vẫn có đến 60% DNNVV vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Lý giải về thực trạng khó hiểu này, ông Lộc cho rằng chính tình trạng hoạt động thiếu minh bạch của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như tính khả thi của các dự án kinh doanh chưa cao chính là nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng nói không với DNNVV.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Nguyễn Quốc Hùng thì cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời gian thành lập ngắn nên không đáp ứng được điều kiện về báo cáo thuế trên 3 năm, không có báo cáo chuẩn theo yêu cầu… khiến ngân hàng đánh giá thấp, thời gian xét duyệt vốn dài hơn dẫn đến khó tiếp cận nguồn vốn.

Theo số liệu của Viện Chiến lược ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước), hàng năm các DNNVV tạo ra gần 60% việc làm (chiếm 42,2% số lao động), 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và đóng góp khoảng 29,3% cho Ngân sách Nhà nước.

Có vai trò quan trọng là vậy, song bài toán về vốn cho khối doanh nghiệp này mặc dù đã được bàn thảo trong nhiều năm nay nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp thỏa đáng.

Trước vấn đề này, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ 3 bên giữa Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp.

Cụ thể, Nhà nước cần triển khai hiệu quả và đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV, đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Bảo lãnh DNNVV và Quỹ Phát triển DNNVV. Cùng với đó là ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, phát triển cân bằng thị trường tài chính (chứng khoán, trái phiếu, quỹ đầu tư…) để tạo kênh dẫn vốn đa dạng cho DNNVV.

Đối với các tổ chức tín dụng, cần thiết kế các sản phẩm tín dụng linh hoạt và phù hợp với DNNVV; phát triển hình thức cấp tín dụng theo chuỗi cung ứng, hợp tác với doanh nghiệp lớn để phối hợp tài trợ vốn cho DNNVV.

Về phía các doanh nghiệp, cần minh bạch hóa hoạt động, hoàn thiện hệ thống tài chính và nâng cao hơn nữa chất lượng quản trị doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: