Trong sáu tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ thu mua được 1 tỷ USD, bằng 1/7 mức thu mua cùng kỳ năm trước. Đồng USD đang ở đâu và tình hình dự trữ ngoại hối đang như thế nào?

Trong cuộc họp với Tổ công tác Chính phủ tháng 7 vừa rồi, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết trong sáu tháng đầu năm, NHNN đã thu mua thêm 1 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên 42 tỷ USD. Mức tăng này thực chất là thấp so với nhu cầu dự trữ ngoại tệ cũng như mức thu mua ngoại tệ của năm 2016 (năm 2016, NHNN đã thu mua được 11 tỷ USD).

Tỷ giá trung tâm được kìm nén, tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN thu mua ngoại tệ

Năm 2016 được đánh giá là năm thành công trong chính sách tiền tệ của NHNN. Tỷ giá trung tâm được giữ ổn định trong một thời gian dài, cả năm tỷ giá trung tâm chỉ tăng 1,2%. Với biên độ +/- 3%, tỷ giá tại các NHTM cũng chỉ tăng 1,1% trong suốt cả năm.

ty gia 2016 e1501047844654

Với hiện tượng nhập siêu trong năm 2016 (2,7 tỷ USD) và dòng chảy vốn FDI kỷ lục đổ về Việt Nam (15,8 tỷ USD), NHNN đã thu mua thành công 11 tỷ USD. Với tỷ lệ lạm phát 4,74% của tiền đồng Việt Nam, tỷ lệ lạm phát 2% của đồng USD và USD index biến động mạnh trong suốt cả năm 2016 (thấp điểm là 93.05 hồi đầu tháng 4/2016, cao điểm nhất là 102.29 hồi đầu tháng 12/2016) thì việc duy trì tỷ giá ổn định trong suốt thời gian qua đã có sự điều tiết sâu của Nhà nước.

Ngoài mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, việc kìm nén tỷ giá giúp giảm nợ quốc gia. Đây là động lực đáng kể để NHNN kìm giữ tỷ giá bởi lẽ với khoản nợ nước ngoài khoảng 90 tỷ USD của Việt nam hiện nay, nếu tỷ giá tăng thêm 1% sẽ khiến khối nợ tăng thêm gần 1 tỷ USD.

Tỷ giá thấp, lãi suất tiền gửi USD bằng 0% giúp NHNN mua được khá nhiều USD trong năm 2016 (khoảng 11 tỷ USD).

Định giá tiền đồng cao gây ra nhập siêu và khiến hàng hóa xuất khẩu kém cạnh tranh

Từ năm 2012, rất nhiều nước đã chủ động phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ hàng xuất khẩu trong khi Việt Nam cố gắng giữ nguyên tỷ giá khiến đồng tiền Việt Nam trở nên cao tương đối so với các đồng tiền quốc gia khác. Theo số liệu của IMF, giá trị của VND so với rổ tiền tệ thế giới SDR (là tỷ giá bình quân của các đồng tiền mạnh: USD, EUR, GBP và JPY) năm 2016 đã tăng 7% so với mức năm 2012, trong khi đồng Ringgit của Malaysia giảm 28%, đồng Rupi Ấn độ giảm 8%… Ngoài ra, việc giữ ổn định tỷ giá đã khiến ngành công nghiệp hỗ trợ bị ảnh hưởng mạnh do sản xuất trong nước trở nên đắt đỏ hơn chi phí nhập linh kiện, phụ tùng ngoại.

Đồng USD ở đâu? Chính sách nào hỗ trợ cho dự trữ ngoại hối?

Chính sách đặt lãi suất tiền gửi USD 0% trong hơn 2 năm qua đã giúp nhà nước thu gom nhiều tỷ USD từ dân chúng. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khá thấp (chỉ đảm bảo được gần 3 tháng nhập khẩu), do đó việc can thiệp để giữ tỷ giá mục tiêu gặp khá nhiều thách thức.

du tru ngoai hoi 2017 e1501047940902
Dự trữ USD của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (nguồn: IMF)

Tuy vậy, một lượng tiền lớn đã được chuyển ra nước ngoài để phục vụ nhu cầu du học (khoảng 2 tỷ USD/năm), nhu cầu du lịch (khoảng 6-7 tỷ USD) và nhu cầu mua nhà ở nước ngoài (hơn 3 tỷ USD). Như vậy hơn 10 tỷ USD hàng năm được chuyển ra nước ngoài để phục vụ cho các mục đích cá nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã yêu cầu NHNN nghiên cứu chính sách thu hút ngoại tệ trong dân. Ông cho rằng trong khi Nhà nước phải vay nước ngoài với lãi suất hơn 4% thì nguồn ngoại tệ để trong dân là rất phí phạm.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian vừa qua, do chính sách tỷ giá ổn định, lãi suất vay USD thấp nên nhiều khách hàng doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp vay bằng USD. Bên cạnh đó, các NHTM nhằm thu hút ngoại tệ cũng đã thỏa thuận trả lãi cho người gửi tiền khiến giao dịch USD trở nên nhộn nhịp.

Do vậy, nếu bây giờ NHNN có nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên thì tác dụng thu hút USD cũng không đáng kể. Muốn người dân, doanh nghiệp giảm giao dịch USD thì không cần tăng lãi suất tiền gửi USD mà giảm lãi suất cho vay VND, như vậy các doanh nghiệp sẽ không vay USD nữa mà chuyển sang vay tiền VND.

Có thể nói, lượng USD tồn trong dân không còn nhiều. Việc điều hành kìm nén tỷ giá như hiện nay đóng vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng lại tác động trực tiếp đến hành vi kinh doanh của các chủ thể kinh tế.

Nếu không nới lỏng chính sách tiền tệ, đưa tỷ giá ngoại tệ theo cung cầu thị trường thì nhà nước sẽ ngày càng tốn kém trong việc điều hành tỷ giá, đồng thời giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu cũng như khó phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ mà xét về lâu dài đều không có lợi cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Nguyên Hương

Xem thêm: