Nhật Bản là quốc gia cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Hà Nội với tổng số tiền cam kết khoảng 2,6 tỷ USD trong tổng số 5 tỷ USD vốn ODA mà thành phố thu hút được trong 5 tháng đầu năm 2017.

cau nhat tan oda nhat ban
Cầu Nhật Tân – một trong các dự án nhận ODA từ Nhật Bản. (Ảnh: shutterstock)

Theo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2017, thành phố thu hút và thực hiện 104 dự án ODA với giá trị tài trợ cam kết khoảng 5 tỷ USD. Trong đó:

  • Giá trị đã ký kết là 3,14 tỷ USD, đã giải ngân 1,1 tỷ USD (chiếm 37,14% giá trị ký kết);
  • Giá trị ký kết ODA không hoàn lại là 261,93 triệu USD (chiếm 8,33% tổng vốn đã ký);
  • ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi là 2,8 tỷ USD (chiếm 91,67%).

Trong các lĩnh vực sử dụng nguồn vốn ODA, lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông đô thị chiếm tỷ trọng lớn nhất với 56%; cấp, thoát nước và xử lý nước thải với 31,8%. Trong đó:

  • Nhật Bản là quốc gia cung cấp vốn ODA nhiều nhất cho Hà Nội với 2,67 tỷ USD (chiếm 56,4%);
  • Pháp đứng thứ hai với 691,6 triệu USD (chiếm  14,56%);
  • Ngân hàng Phát triển châu Á là 439,15 triệu USD (chiếm 9,25%);
  • Ngân hàng Thế giới: 251,15 triệu USD (chiếm 5,3%);
  • Phần Lan, Bỉ, Hàn Quốc, EIB, CTF…: khoảng 696,27 triệu USD (chiếm 14,67%).

Trong thời gian vừa qua, nhiều dự án ODA của Nhật Bản đầu tư tại TP. Hà Nội đã được hoàn thiện như: Cầu Thanh Trì, đường vành đai 3, Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân… và mạng lưới quốc lộ nối các thành phố chính ở khu vực miền Bắc.

Nguồn vốn ODA đến từ Nhật Bản với lãi suất thấp được đánh giá giữ vai trò quan trọng đối với ngành giao thông vận tải của thành phố.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo thường niên của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ngày 20/4/2017, ông Fujita Yasuo – Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết tỷ lệ thực hiện dự án tại Việt Nam khá cao, nhưng các thủ tục hành chính liên quan vẫn còn chậm trễ, thậm chí ngay cả việc gửi yêu cầu hỗ trợ hàng năm lên JICA cũng chậm. Cùng với đó, Nghị định số 16 được ban hành làm cho các thủ tục ODA trở nên phức tạp hơn, phát sinh vấn đề chậm thanh toán nợ do việc siết chặt quản lý nợ công.

Ông Fujita Yasuo nêu ví dụ cụ thể với dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội liên quan tới thủ tục phê duyệt bị kéo dài, chỉ riêng việc xem xét lại tổng mức đầu tư đã mất tới 4 năm. Hay như theo quy định từ JICA, các yêu cầu hợp tác của Việt Nam với JICA cần được gửi vào tháng 8 hàng năm nhưng phía Việt Nam “chậm trễ đã thành thường lệ”.

Trong việc sắp xếp và sử dụng nguồn vốn ODA, đối với vốn ODA không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật, TP. Hà Nội sẽ ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực: xây dựng chính sách, phát triển thể chế và tăng cường năng lực quản lý dự án, quản lý hạ tầng đô thị, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA có công nghệ kỹ thuật cao, và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có kết hợp ODA.

Nguồn vốn vay ưu đãi sẽ được tập trung để đầu tư cho các chương trình, dự án có nguồn thu và có khả năng trả nợ chắc chắn (như các công trình điện, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao, cấp nước,…); những dự án đầu tư thúc đẩy khu vực tư nhân (bao gồm cả dự án đầu tư theo hình thức PPP).

Minh Long

Xem thêm: