Tập đoàn Điện lực (EVN) có văn bản đề xuất với Chính phủ tăng giá điện lần thứ 2 trong năm 2023 (dự kiến vào tháng 9), lý do mức tăng từ hôm 4/5 vừa qua (tăng 3%) chưa đủ bù đắp khoản lỗ của tập đoàn (riêng năm 2022, lỗ trên 26.000 tỷ đồng). Tuy vậy, 5 Công ty con của EVN có gần 30.000 tỷ đồng gửi vào ngân hàng để nhận lãi suất, thu về hàng trăm tỷ đồng/năm.

EVN thợ diện bảng giá diện mới Bộ Công thương EVN
Tính từ năm 2010, Tập đoàn EVN đã có 8 lần tăng giá điện với lý do thua lỗ. (Ảnh: moit.gov.vn)

Thông tin Tập đoàn EVN muốn tăng giá điện lần thứ 2 trong năm 2023 trong khi các Tổng công ty trực thuộc tập đoàn (công ty con) báo lãi hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2022 gây bức xúc trong dư luận.

Chưa hết, theo báo Lao Động, 5 công ty con của Tập đoàn EVN có khoảng 30.000 tỷ đồng gửi vào ngân hàng để lấy lãi, nếu lãi suất bình quân là 8-10% thì những công ty này thu về từ 2.400 – 3.000 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Cụ thể, 5 doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn EVN gồm: Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC).

Được biết, 5 doanh nghiệp trên hiện đang đảm nhiệm vai trò trong việc cung cấp, phân phối điện cho 63 tỉnh thành trên cả nước.

Kết thúc năm 2022, Điện lực Miền Bắc lãi trước thuế gần 310 tỷ đồng; Điện lực Miền Trung lãi trước thuế hơn 450 tỷ đồng. Các công ty còn lại lãi trước thuế lần lượt: 293 tỷ đồng, 38 tỷ đồng và 293 tỷ đồng.

evn xin tang gia lan 2 cong ty con evn gui ngan hang
Ảnh chụp màn hình: laodong.vn

Tiền gửi ngân hàng của 5 công ty nói trên lần lượt là 10.500 tỷ đồng, 5.000 tỷ đồng, 5.500 tỷ đồng, 5.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, hai doanh nghiệp khác trực thuộc tập đoàn là Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) và Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2) lần lượt báo lãi sau thuế hơn 2.500 tỷ đồng (tăng 30%) và gần 3.700 tỷ đồng (gần gấp đôi kế hoạch).

Theo EVN, riêng năm 2022 thì tập đoàn này lỗ hơn 26.000 tỷ đồng (chưa kể lỗ tỷ giá chưa hạch toán vào giá thành), do vậy đề xuất tăng giá và đã tăng thêm 3% từ ngày 4/5, lên 1.920 đồng/kWh (chưa thuế VAT).

EVN cho biết mức tăng 3% vừa qua mang lại 8.000 tỷ đồng doanh thu, nhưng so với khoản lỗ thì chưa thể bù đắp.

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng không phải cứ thua lỗ là EVN xin tăng giá điện, chưa kể nhiều năm trước EVN lấy tiền tích lũy để đầu tư vào bất động sản, khu nghỉ dưỡng dẫn đến thua lỗ, rồi tính hết vào giá điện, đến nay việc thanh tra chưa công bố thông tin.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nói: “Người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao”, báo VTC dẫn lời.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện. Giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,444 đồng/kWh (vào năm 2019); đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.

Theo vị đại biểu này, cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ (EVN) báo lỗ, còn các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao. Vậy nguyên nhân khoản lỗ của EVN là từ đâu, cần làm rõ vấn đề này.

Tuấn Minh