Trong 6 ngày, hơn 36 tấn khẩu trang được xuất khẩu qua Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất (TP.HCM), phần lớn sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc Đại lục.

khẩu trang y tế, dịch corona
Nhân viên bảo vệ tại một công ty IT đang đo nhiệt độ cơ thể của các nhân viên trước khi vào làm trong dịch cúm corona, TP.HCM, tháng 2/2020. (Ảnh: Anhdung/Shutterstock)

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP.HCM), từ ngày 30/1 đến ngày 4/2, Chi cục này làm thủ tục xuất khẩu khoảng 36 tấn khẩu trang.

Số khẩu trang được xuất khẩu qua đường hàng không nói trên chủ yếu xuất sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc Đại lục; phần còn lại sang Singapore, Malaysia.

Cùng thời điểm trên, tại phía Bắc, từ ngày 29/1 đến ngày 3/2, hơn 4,2 triệu chiếc khẩu trang y tế đã được xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị và cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn).

Mới đây, ngày 10/2, 1,5 triệu chiếc khẩu trang đã được Hải quan Móng Cái đã làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu Móng Cái, Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết.

Kiến nghị bình ổn mặt hàng y tế phòng dịch nCoV

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về đánh giá tác động của dịch viêm phổi do virus Corona gây ra và các giải pháp để kiểm soát mặt bằng giá quý I/2020, trong đó đề xuất kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng y tế thiết yếu trong thời điểm dịch, như khẩu trang y tế, nước rửa tay khô…

Bộ Tài chính cho biết hiện thuế nhập khẩu một số máy móc, thiết bị, dịch truyền, vật tư y tế trong nước chưa sản xuất được đang ở mức 0%. Thuế nhập khẩu đối với một số vật tư y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, vải không dệt, găng tay trong nước đã sản xuất được từ 5% – 30%.

Trong diễn biến lây lan của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã ra quyết định miễn thuế nhập khẩu đối với khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng, nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế… từ ngày 7/2 đến khi có thông báo hết dịch.

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Tài chính dự báo Việt Nam vẫn cần các vật dụng thiết bị cần thiết dùng cho chống lây nhiễm dịch, bệnh, trong đó có khẩu trang. Theo đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo tìm nguồn để nhập khẩu khẩu trang đáp ứng nhu cầu ở trong nước; giao Bộ Ngoại giao khuyến khích các tổ chức quốc tế, kiều bào hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị phòng, chống dịch.

Theo Tổng cục Quản lí thị trường, từ ngày 31/1 đến hết ngày 10/2, lực lượng Quản lí thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.659 nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh bán các mặt hàng y tế để phòng dịch (khẩu trang y tế, gel rửa tay, nước rửa tay khô…) vượt giá niêm yết.

Nguyễn Quân

Xem thêm: