Chỉ 96/427 đại biểu Quốc hội phản đối việc miễn thu 5.000 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước do Chính phủ chậm ban hành nghị định thi hành luật.

mỏ than, khai thác than
Một mỏ than lộ thiên tại Uông Bí, Quảng Ninh. (Ảnh: Hiệp Phi)

Tổng thư ký Quốc hội vừa có báo cáo tổng hợp kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc Chính phủ đề nghị Quốc hội không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 1/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013 và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 1/1/2013 đến hết ngày 31/8/2017.

Do còn nhiều ý kiến trái chiều về việc này, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai nội dung.

Kết quả, 321/427 đại biểu đồng ý (chiếm 75,18%) đồng ý, 96 đại biểu không đồng ý (chiếm 22,48%) với nội dung “không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 1/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013; không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 1/1/2013 đến hết ngày 31/8/2017”.

333/427 đại biểu đồng ý (chiếm 77,99%), 70 đại biểu không đồng ý (chiếm 16,39%), 20 đại biểu không có ý kiến (chiếm 4,68%) với nội dung “Quốc hội xem xét, quyết định nội dung “không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước” tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 8)”.

Do số phiếu đồng ý lần lượt chiếm hơn 75% và gần 78%, Quốc hội đã đồng ý không thu khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước trên và đồng ý đưa nội dung biểu quyết vào nghị quyết của kỳ họp.

Số tiền ước tính miễn thu trên 5.000 tỷ đồng, do Chính phủ chậm ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện các Luật Khoáng sản 2010 và Luật Tài nguyên nước 2012 (Nghị định 203 ra đời chậm 2 năm 6 tháng sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực; Nghị định 82 ra đời chậm 4 năm 8 tháng sau khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực).

Theo chương trình kỳ họp, nội dung cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước sẽ nằm trong Nghị quyết chung của kỳ họp, được thông qua tại phiên bế mạc vào chiều ngày 27/11 tới.

Vì nội dung này được biểu quyết thông qua kèm việc thông qua nội dung nghị quyết của kỳ họp, có rất ít khả năng đại biểu sẽ chỉ vì không đồng ý với nội dung này mà không thông qua cả nghị quyết.

Một số đại biểu nêu ý kiến cho rằng việc đưa nội dung này vào nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho những trường hợp tương tự sau này. Thực chất đây là việc sửa đổi hiệu lực của luật, nhưng việc sửa đổi này lại thực hiện bằng một nghị quyết kỳ họp, không phải văn bản quy phạm pháp luật.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc chậm trễ ban hành các nghị định liên quan, gây thất thoát 5.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, đồng thời đề nghị đánh giá việc chậm ban hành Nghị định tác động như thế nào đến thu ngân sách; đề nghị đánh giá thêm, tìm hiểu nguyên nhân, xem xét dấu hiệu tham nhũng, trục lợi chính sách để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa các luật, giữa các doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh doanh.

Có đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân chậm ban hành các Nghị định là do vô tình hay cố ý, có lợi ích nhóm hay không. Một số ý kiến khác cho rằng Quốc hội cũng có trách nhiệm trong việc này, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các Ủy ban của Quốc hội trong việc giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sơn Nguyên

Xem thêm: