Mọi người, nhất là ở phương Tây, thường tin vào “quy tắc 5 giây” – tức là nếu thức ăn rơi xuống đất và bạn nhặt lên kịp dưới 5 giây thì vẫn có thể ăn được. Một nghiên cứu mới sẽ cho bạn thêm thông tin về quy tắc này.

(ảnh: Shutterstock) Thức ăn rơi xuống đất
(ảnh: Shutterstock)

Donald Schaffner, giáo sư và chuyên gia khoa học thực phẩm của đại học Rutgers, phát hiện rằng độ ẩm, loại bề mặt và thời gian tiếp xúc đều có đóng góp vào sự nhiễm khuẩn của thức ăn rơi xuống đất. Trong một số trường hợp, sự nhiễm khuẩn xảy ra ngay trong giây đầu tiên.

“Quan niệm thường thấy về ‘quy tắc 5 giây’ là thức ăn rơi xuống đất, nếu nhặt lên thật nhanh thì vẫn ăn được vì vi khuẩn chưa kịp bám vào,” ông Schaffner nói, bổ sung rằng “quy tắc” này đã được ít nhất hai chương trình TV nhắc đến, trong khi nghiên cứu bình duyệt thì còn rất ít.

“Chúng tôi quyết định xem xét vấn đề này vì nó rất phổ thông. Vấn đề có vẻ chẳng có gì to tát nhưng chúng tôi muốn có kết luận rõ ràng, dựa trên chứng cứ,” ông Schaffner đã tiến hành nghiên cứu với Robyn Miranda, sinh viên cao học trong phòng thí nghiệm khoa Môi trường và Sinh học, đại học Rutgers ở New Brunswick.

Nghiên cứu các trường hợp “thức ăn rơi xuống đất”

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên 4 loại bề mặt – thép không gỉ, gạch bông, gỗ và thảm – với 4 loại thực phẩm (dưa hấu, bánh mì, bánh mì và bơ, và kẹo dẻo). Họ đo 4 thời lượng tiếp xúc khác nhau: dưới 1 giây, 5 giây, 30 và 300 giây. Họ dùng nước đậu nành tryptic và đệm đản bạch (peptone) để nuôi vi khuẩn Enterobacter – “bà con” của loại vi khuẩn Salmonella thường gặp trong hệ tiêu hóa của con người.

Xem thêm: Video thí nghiệm: Vi khuẩn phát triển thành siêu vi khuẩn chỉ trong 11 ngày

Các nhà khoa học tiến hành đo lường theo các trường hợp: mỗi loại thực phẩm, loại bề mặt tiếp xúc, thời gian tiếp xúc. Các bề mặt được tẩm vi khuẩn và để khô hoàn toàn trước khi cho mẫu phực thẩm rơi vào. Tất cả là 128 trường hợp x lặp lại 20 lần = 2560 mẫu đo lường. Các mẫu bề mặt và thực phẩm sẽ được phân tích để xác định mức độ nhiễm khuẩn sau khi tiếp xúc.

Kết quả

Không ngạc nhiên, dưa hấu có mức độ nhiễm khuẩn cao nhất, kẹo dẹo là ít nhất. “Có vẻ như vi khuẩn lây lan chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ độ ẩm,” ông Schaffner nói. “Vi khuẩn không có chân, chúng di chuyển nhờ độ ẩm, thực phẩm càng ướt thì càng dễ bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, thời gian tiếp xúc càng lâu thì càng có nhiều vi khuẩn bị chuyển sang thức ăn.”

Có lẽ đáng ngạc nhiên nhất, thảm có tỉ lệ chuyển vi khuẩn thấp nhất so với gạch bông và thép, còn gỗ thì dao động nhiều mức độ. “Cấu trúc bề mặt của chất liệu và thực phẩm tiếp xúc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao vi khuẩn,” nhà nghiên cứu Schaffner nói.

Xem thêm: Nhiễm bệnh từ… nhân viên y tế

Kết luận

Quy tắc 5 giây vẫn có giá trị ở phương diện thời gian tiếp xúc tỉ lệ thuận với vi khuẩn bị chuyển sang. Nhưng cũng cần quan tâm tới những yếu tố khác như loại thực phẩm và bề mặt tiếp xúc, cũng quan trọng không kém.

“Quy tắc 5 giây là một sự đơn giản hóa thái quá khi vi khuẩn lây lan từ bề mặt tiếp xúc tới thực phẩm,” ông Schaffner nói. “Vi khuẩn có thể lây lan ngay lập tức.”

Ghi chú: Dù sao thì, vi khuẩn có mặt khắp nơi, ngay cả trên tay chúng ta. Do đó, tùy vào loại thực phẩm và loại bề mặt rơi (và cả mức độ “ở dơ sống lâu” của mỗi người) mà bạn có thể quyết định. Nếu thực phẩm khô rơi trên sàn nhà sạch (với điều kiện là bạn lau nhà thường xuyên) thì dường như là có thể nhặt lên. Còn nếu là thực phẩm ướt thì bạn đừng tiếc rẻ gì mà cho nó ra đi nhé.

Nguồn: đại học Rutgers
Phong Trần biên dịch