237.000 cử nhân và cao học thất nghiệp, năng suất lao động thấp hơn Lào trong khi GDP tăng trưởng 6,81%.

Theo báo cáo Tình hình kinh tế xã hội năm 2017 vừa được Tổng cục thống kê (TCTK) công bố, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%. Báo cáo nhấn mạnh đây là đà tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011, phản ánh tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành trong thời gian qua.

>> Tăng trưởng và sự hạn chế của GDP

Về lý thuyết, tốc độ tăng trưởng tăng đồng nghĩa nền kinh tế tạo ra nhiều giá trị hơn, công ăn việc làm cũng tăng theo. Bên cạnh đó, năng suất lao động cao cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng trên thực tế lại là một bức tranh hoàn toàn trái ngược.

237.000 lao động có trình độ đại học và trên đại học thất nghiệp

Cử nhân
Có 237.000 cử nhân và trình độ cao học thất nghiệp trong quý 3/2017. (Ảnh: Shutterstock)

Tại buổi cung cấp Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2017 diễn ra chiều ngày 26/12, ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết cả nước có hơn 1 triệu người lao động trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó có đến 237.000 người có trình độ “đại học trở lên”  thất nghiệp, tăng gần 54.000 người so với quý 2.

Nhóm trình độ “cao đẳng” cũng có tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, với gần 85.000 người thất nghiệp, tăng 1.900 người. Ngoài ra, nhóm trình độ “trung cấp” có 95.500 người thất nghiệp, tăng hơn 3.000 người.

Cũng trong quý này, cả nước có 610,9 nghìn lao động thanh niên thất nghiệp, tăng 35.800 người so với quý trước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất với 2,91%.

Năng suất lao động thấp hơn Lào

Báo cáo từ TCTK cho biết năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động), tăng 6% so với năm 2016.

Tuy nhiên, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan.

Mỗi lao động của Việt Nam chỉ có năng suất bằng 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và đặc biệt là chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Điều đáng lo hơn cả là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

>> 23 người Việt làm mới bằng 1 người Singapore, khi nào thì năng suất lao động được cải thiện?

Trong số liệu tăng trưởng GDP 6,81% năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực nông nghiệp tăng 2,9%, cao hơn nhiều so với mức 1,36% trong năm 2016. Tuy nhiên, đây là năm của giải cứu nông sản, thịt lợn rớt giá khiến nhiều nông trại chăn nuôi điêu đứng, hạn hán mất mùa đầu năm xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long – nơi được xem là vựa lúa của cả nước, tình hình bảo lũ phức tạp xảy ra ở miền Trung,…

Theo báo cáo của TCTK, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm nay ước tính 60 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2016. Câu hỏi đặt ra là, với những tổn thất nêu trên, người nông gia lấy đâu ra tiền để đầu tư cho sản xuất hay chăn nuôi, và trước đó Bộ tài chính cũng nêu tình cảnh nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng của mất giá nông sản, người nông dân mất khả năng chi trả nợ?

Nợ công tăng cao – hệ quả của việc vay tiền để đầu tư tràn lan

Chính phủ thường chú trọng đến con số tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, cái giá của tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá thường chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn, một trong số đó là nợ công. Theo báo cáo nợ công của Chính phủ, nợ công Việt Nam năm 2017 có thể lên đến 3,1 triệu tỷ đồng (136,5 tỷ USD), bằng 62,6% GDP. Đây là tỷ lệ cao nhất Đông Nam Á nếu không tính Singapore, bởi nợ công của Singapore không nguy hiểm do vay từ dân cư bằng đồng nội tệ và là nước được đánh giá tín nhiệm ở mức cao nhất AAA.

Chưa hết, theo thống kê trong 5 năm qua, cứ mỗi năm khối nợ công lại phình to thêm 300.000 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2017, có hơn 260.000 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD) được dùng để chi trả nợ trong và ngoài nước. Tính bình quân, mỗi ngày ngân sách chi 770 tỷ đồng trả nợ cả gốc lẫn lãi.

>> Nợ công 2017 tiếp tục phình to, mỗi người phải ‘gánh’ 33 triệu đồng

Nếu tính thêm cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ, tình hình nợ công còn đáng báo động hơn. Theo báo cáo Tình hình tài chính của DNNN (Bộ Tài chính), tổng số nợ phải trả của các DNNN hiện hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu tính thêm số nợ này nữa thì nợ công đã gần 93%GDP, vượt xa ngưỡng giới hạn cho phép 65%GDP mà Chính phủ đưa ra.

Với việc cộng thêm số nợ của DNNN, số nợ mà mỗi người dân Việt dù muốn dù không phải “gánh” không chỉ là 33 triệu mà lên gần 50 triệu đồng/người.

Rõ ràng, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP trong những năm qua thì khối nợ công cũng liên tục phình to thêm, tỷ lệ nợ công/GDP tăng gần 14 điểm phần trăm, từ 50% vào năm 2011 lên đến 63,7% năm 2016 – cho thấy sự không bền vững của tăng trưởng. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại. Nếu chúng ta lạm dụng việc vay nợ và sử dụng thiếu thận trọng nguồn tài chính này thì các khoản nợ sẽ thành một gánh nặng cho tương lai, khiến sự bền vững của nền kinh tế bị đe dọa.

Tăng vay nợ từ Trung Quốc để đổi lấy tăng trưởng là một đòn mạo hiểm

Đó là chưa kể đến cơ cấu nợ công, hiện nay một lượng lớn nợ công chúng ta đến từ Trung Quốc thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) mà Trung Quốc đứng đằng sau. Tại sao lại nói việc vay nợ từ Bắc Kinh là một mối nguy? Thực tế đã có nhiều bài học về điều này, như tại Venuezuela và Chile, khi dòng tiền các quốc gia này không đủ để trả nợ, họ đã phải trả nợ bằng dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản. Nạn nhân mới đây nhất là Sri Lanka, quốc gia này đã phải bàn giao lại cảng Hambantota chiến lược cho Trung Quốc sau khi không thể chi trả các khoản lãi vay.

Không giống như các khoản cho vay của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các khoản cho vay của Trung Quốc thường đòi hỏi được đảm bảo bằng các tài sản thiên nhiên có tầm quan trọng chiến lược với giá trị dài hạn cao. Để đổi lấy tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng mà các quốc gia nghèo hơn cần, Trung Quốc đòi hỏi sự tiếp cận thuận lợi tới tài nguyên thiên nhiên của họ, từ tài nguyên khoáng sản đến các cảng chiến lược. Qua đó dần dần nắm lấy huyết mạch kinh tế của các quốc gia đi vay.

Và nếu một chính phủ quá chú trọng vào tăng trưởng GDP bằng mọi giá mà không quan tâm đúng mức đến các chỉ số khác thì hành vi thường được quan sát thấy là họ sẽ tìm cách tăng cường vay nợ để tăng đầu tư, việc mắc “bẫy cho vay” của Trung Quốc sẽ là điều khó tránh khỏi.

Chân Hồ

Xem thêm: