Vào ngày 2/10, tại phiên giải trình do Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Bộ kế hoạch và đầu tư đã báo cáo về tình hình thực hiện Luật đầu tư công và tiến trình giải ngân 2 triệu tỷ vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020.

Chi sai 1.900 ty dong bo ke hoach dau tu noi gi
Việc quản lý đầu tư công sẽ được giám sát như thế nào? (Ảnh minh họa: Sơn Trà)

Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại phiên giải trình cho biết, ngân sách trung ương đã dành một khoản vốn thích đáng để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, trong đó thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản là 9 ngàn tỷ đồng, thu hồi số vốn ứng trước là 50 ngàn tỷ đồng.

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, giải ngân vốn NSNN ước tính đạt 192 ngàn tỷ đồng, bằng 63,2% kế hoạch năm.

Nghị quyết số 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được ban hành cuối năm 2016, Quốc hội đã thông qua tổng số vốn đầu tư công kế hoạch cho giai đoạn 2016-2020 từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) là 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, (1) vốn ngân sách trung ương là 1,120 triệu tỷ đồng (chiếm 56%), gồm vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng; (2) vốn cân đối ngân sách địa phương là 880 ngàn tỷ.

Tổng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng giao là 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 89,2% tổng mức vốn kế hoạch của cả giai đoạn; 200 ngàn tỷ đồng dành để dự phòng chung.

Số vốn còn lại chưa giao là hơn 194 ngàn tỷ đồng, tương đương bằng 10,7% tổng mức kế hoạch được Quốc hội thông qua (không tính khoảng dự phòng 200 ngàn tỷ). Trong đó, gần 182 ngàn tỷ đồng khi phân bổ tiếp phải trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện. Như các dự án quan trọng quốc gia: đường cao tốc Bắc – Nam, dự án chống ngập TP. HCM, phần vốn bổ sung cho chương trình biển Đông – Hải đảo, phần vốn bổ sung vốn điều lệ và cấp bù lãi suất tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (BIDV), đầu tư tuyến đường ven biển từ Hải Phòng đến Nghệ An theo hình thức PPP, tiền thu từ bán đất và tài sản trên đất của các bộ, ngành trung ương…

Còn lại hơn 12 ngàn tỷ đồng của các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, được Chính phủ cho phép hoàn thiện đến ngày 30/9/2017, sau thời gian này, toàn bộ số vốn chưa đủ thủ tục đầu tư thu hồi về dự phòng.

Giải ngân vốn chậm gây lãng phí

Phát biểu trong phiên họp, ông Dũng cho biết nguyên nhân xảy ra tình trạng giải ngân vốn chậm là do chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt. Có dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi kế hoạch vốn; có dự án không có khả năng cân đối vốn phải điều chỉnh lại…

Về vấn đề này, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, tổng số vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 được Quốc hội thông qua là 2 triệu tỷ đồng, trong đó, bố trí 80 ngàn tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân chậm đã làm giảm hiệu quả nguồn vốn. Trong số đó, có 10 nghìn tỷ đồng chống ngập cho TP. HCM vẫn chưa thể giao vốn, 15 ngàn tỷ dự kiến chi cho 4 dự án của ngành đường sắt, và 55 ngàn tỷ cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Trong khi nền kinh tế đang rất cần nguồn vốn, các biện pháp được sử dụng để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng theo chỉ định của Thủ Tướng thì việc giải ngân vốn chậm đã gây ra một sự lãng phí lớn, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết và chưa có ai đứng ra chịu trách nhiệm.

Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng, trong đó có gần 73 ngàn tỷ dùng để thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là: Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là gần 30 ngàn tỷ đồng; 5 ngàn tỷ đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; 80 ngàn tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia…

Tính đến tháng 9/2017, đã giao được khoảng hơn 1,6 triệu tỷ đồng (tương đương 89,2%) trong tổng số 2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua.

Chân Hồ

Xem thêm: