Do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm chịu ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, dự báo nhiều dấu hiệu tích cực lẫn tiêu cực trong thời gian tới.

Đây là những nhận định từ báo cáo chiến lược – “Báo cáo vĩ mô tháng 2/2019 – Những tín hiệu cảnh báo sớm” của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

Xuất nhập khẩu tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ

(Nguồn: BVSC)

Theo báo cáo, xuất nhập khẩu Việt Nam qua hai tháng đầu năm đều tăng trưởng thấp. So với cùng kỳ năm 2018, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có mức tăng thấp hơn rất nhiều (cùng kỳ năm 2018 xuất khẩu tăng 23% trong khi nhập khẩu tăng 18%).

Tính riêng tháng 2, cả xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh, giảm hơn 20% so với tháng 1/2019. Cán cân thương mại đã chuyển sang trạng thái thâm hụt (800 triệu USD) trong 2 tháng đầu năm. Hơn nữa, lũy kế 12 tháng gần nhất, thặng dư thương mại cũng đang có xu hướng giảm dần. Vì vậy, theo nhận định của BVSC, đây là tín hiệu đáng lo ngại cho tăng trưởng GDP Việt Nam trong cả quý 1/2019.

Sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh

chi so san xuat cong nghiep
(Nguồn: BVSC)

Phân tích số liệu từ báo cảo BVSC cho thấy khu vực sản xuất đang tăng trưởng chậm lại khi chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 2 giảm mạnh 17% so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15% của cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, các nhóm hàng điện tử, máy vi tính và quang học (chỉ tăng 5,2% trong khi cùng kỳ tăng 38%); nhóm sản xuất thuốc và hóa dược (giảm 12,4% trong khi cùng kỳ tăng 12,7%).

Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như sản xuất kim loại (tăng 36%); sản xuất xe có động cơ (tăng 21%); sản xuất giường tủ bàn ghế (tăng 13,8%).

Chỉ số CPI tăng mạnh

cpi
(Nguồn: BVSC)

Theo các chuyên gia phân tích, thời điểm thống kê vào tháng 2/2019 trùng với Tết Nguyên đán nên chỉ số CPI tăng mạnh so với tháng 1 (0,8%). Tuy nhiên chỉ số CPI YoY vẫn đang duy trì xu hướng giảm kể từ mức đỉnh 4,5% vào tháng 7/2018 đến nay.

Doanh số bán lẻ trong tháng 2/2019 giảm 3% so với tháng 1 nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm tăng 12,8% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2018, cho thấy tiêu dùng trong nước vẫn tăng trưởng tốt

Các nhóm hàng tiêu dùng mạnh trong dịp Tết đều tăng giá như hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,73%); đồ uống, thuốc lá (tăng 0,35%); nhà ơ,̉vật liệu XD (0,69%). Riêng nhóm hàng giao thông giảm 0,16%.

Do tác động từ việc giá xăng dầu thế giới, giao thông là nhóm hàng có mức giảm giá mạnh nhất kể từ giữa năm 2018 đến nay.

Dự kiến trong tháng 3, CPI sẽ có mức tăng thấp, thậm chí giảm.

Tỷ giá không có nhiều biến động

ty gia
(Nguồn: BVSC)

Trong một diễn biến khác, tỷ giá các đồng tiền không có nhiều biến động. So với tháng 1, tỷ giá trung tâm trong tháng 2 tăng nhẹ 0,2% trong khi tỷ giá giao dịch tại các NHTM gần như không thay đổi.

Chỉ số USD tăng mạnh trong nửa đầu tháng 2 nhưng đã giảm trở lại trong nửa cuối tháng 2. Các chuyên gia BVSC cũng nhận định: sự chuyển hướng trong chính sách tiền tệ của FED – từ thắt chặt quyết liệt sang xem xét không tăng lãi suất nữa nhiều khả năng sẽ khiến đồng USD khó tăng giá mạnh trong năm 2019.

Kể từ đầu năm 2019 đến nay, hầu hết đồng tiền của các nước mới nổi tại châu Á đều hồi phục trở lại so với USD, trong đó mạnh nhất là Rupiah của Indonesia (2,7%), tiếp đến là CNY Trung Quốc (2,5%), Bath của Thái Lan (2,3%)

Nguồn: Báo cáo vĩ mô tháng 2/2019 của Bảo Việt Securities

Hoàng Giang

Xem thêm: