Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) – chủ đầu tư dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An) hồi cuối năm 2019, buộc Vinapaco phải trả cho ngân hàng này 592,3 tỷ đồng vay tín dụng của dự án.

nha may bot giay phuong nam 0
Hàng ngàn tỷ đồng vốn ngân sách mắc kẹt trong dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. (Ảnh: dẫn qua vietnamfinance.vn)

Theo báo cáo của Vinapaco (ngày 31/10/2019), Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Vinapaco, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcomBank tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng (theo các hợp đồng tín dụng giữa Tracodi – chủ đầu tư của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước đây và Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (tiền thân của PVcomBank) chi nhánh Vũng Tàu).

Nhưng Vinapaco hiện không có khả năng chi trả được các khoản nợ gốc và lãi nêu trên cho PVcomBank.

Trước đó, năm 2015, nhà thầu – Constrexim Holdings đã nộp đơn khởi kiện Vinapaco đòi tiền thi công; số tiền phía Constrexim đòi phải thanh toán và Vinapaco bị cưỡng chế để thi hành án khoảng 23,5 tỷ đồng.

Đầu năm 2020, dù 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ của Bộ Công Thương đã được chuyển giao qua Ủy ban quản lý vốn nhà nước (CMSC) quản lý, Bộ Công Thương vẫn có văn bản kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xem xét, có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành và Đại diện vốn nhà nước tại PVcomBank thống nhất với Vinapaco phương án xử lý tài sản thế chấp thuộc dự án theo hướng chỉ đạo của Chính phủ, tức là bán tài sản toàn bộ dự án để trả nợ cho các bên.

Đến đầu tháng 5/2020, báo cáo gửi Quốc hội trước kỳ họp thứ 9 khai mạc ngày 20/5, Bộ Công thương tiếp tục nhắc lại phương án trên.

Nhà máy bột giấy Phương Nam chưa từng hoạt động, hiện đã “đắp chiếu” gần 15 năm qua.

Năm 2017, Vinapaco đã tổ chức bán đấu giá toàn bộ dự án 3 lần vào các tháng 7, 8 và 9 nhưng đều không có nhà đầu tư tham gia. Nguyên nhân do giá thẩm định dự án quá cao và chưa có quy định điều chỉnh giá khởi điểm để tiếp tục đấu giá khi thất bại, theo Bộ Công Thương.

Năm 2018, Vinapaco xin tiếp tục bán đấu giá với mức giá khởi điểm là 1.885,4 tỷ đồng; hết thời gian đăng tải thông tin đấu giá sẽ giảm 10% giá khởi điểm và không giới hạn số lần giảm giá. Bộ Công Thương cho hay chưa có quy định về việc này và đề nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù để gỡ khó cho dự án này, cụ thể khi đấu giá không thành công, cho phép giảm giá khởi điểm 10% để tiếp tục tổ chức đấu giá, số lần giảm tối đa không quá 2 lần. Sau 2 lần giảm giá mà bán đấu giá vẫn không thành công, đề nghị cho phép tổng công ty tổ chức định giá từng phần của dự án để tiếp tục tổ chức bán đấu giá.

Hiện tại Vinapaco đã tìm được đơn vị tư vấn và đang tiến hành thẩm định giá tài sản lần 3. Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho hay không có nhà đầu tư mua vì giá bán lên đến 1.000 tỷ đồng, trong khi dự án không hoạt động.

Theo Báo cáo tài chính tổng hợp đã được kiểm toán năm 2019 của Vinapaco, doanh thu thuần của tổng công ty đạt 2.375 tỷ đồng (năm 2018 đạt 2.600 tỷ đồng), tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt gần 68 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 5.631 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu ở mức 1.439 tỷ đồng; nợ phải trả 4.192 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam được xây dựng năm 2004 tại Long An, với vốn đầu tư ban đầu gần 1.490 tỷ đồng, ban đầu do Công ty Tracodi (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến tháng 6/2008, dự án phải dừng thi công do thiếu vốn.

Tháng 6/2009, dự án được giao về Vinapaco làm chủ đầu tư. Vinapaco điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỷ đồng.

Năm 2012, Vinapaco đưa dây chuyền vào chạy thử nhưng không thành công do nguyên liệu đay của Long An không phù hợp với công nghệ sản xuất. Khi thuê tư vấn đánh giá lại hiệu quả, mức thua lỗ dự kiến là 455 tỷ đồng/năm (tính cả khấu hao). Từ tháng 10/2012, Vinapaco đã dừng đầu tư toàn bộ dự án và tiến hành xử lý tồn tại đến nay chưa xong.

Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh Chính phủ cho dự án với hai khoản vay của Ngân hàng Societe General hơn 67 triệu Euro. Tuy nhiên, ngay từ kỳ đầu tiên, dự án đã không trả được nợ, Quỹ tích lũy trả nợ (Bộ Tài chính) đã phải ứng cho dự án vay để trả nợ suốt từ năm 2008 đến nay.

Tính đến ngày 31/3/2017, Chính phủ đã phải đứng ra gánh việc trả nợ thay cho dự án tổng cộng hơn 75 triệu Euro. Trong đó, tiền trả nợ gốc hơn 60,3 triệu Euro, trả lãi hơn 14,7 triệu Euro. Riêng phí chuyển tiền trả nợ hộ cũng tiêu tốn của Chính phủ hơn 3,1 triệu Euro. Ðến ngày 3/4/2018, Vinapaco tiếp tục có công văn đề nghị Bộ Tài chính cho vay tiếp hơn 3,48 triệu Euro để trả nợ gốc và lãi đến hạn.

Hiện tại, Bộ Công Thương và Vinapaco vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ Tích lũy trả nợ.

Vĩnh Long