Dựa trên 425 triệu bức ảnh có độ phân giải cao, NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) đã công bố đoạn video tua nhanh ghi lại quá trình 10 năm hoạt động của Mặt trời. Theo NASA, dữ liệu hình ảnh thu được đã mang lại vô số phát hiện về tác động của Mặt trời.

10 nam mat troi nasa
(Ảnh: video NASA)

10 năm có ý nghĩa thế nào đối với Mặt trời đã 4,6 tỷ năm tuổi? Có lẽ cũng chỉ như 1/1.000.000 giây đối với chúng ta mà thôi. Tuy nhiên, mỗi thập kỷ hoạt động của Mặt trời lại là khoảng thời gian diễn ra những sự thay đổi bất thường, đôi lúc vô cùng mạnh mẽ. Đó chính là những gì xuất hiện trong đoạn video tua nhanh (time-laspe) tuyệt đẹp do Đài Quan sát Nhiệt động lực học Mặt Trời (SDO) của NASA đăng tải.

Trong đoạn video dài khoảng 60 phút có tiêu đề “A Decade of Sun” (Một thập kỷ của Mặt trời), các nhà thiên văn học đã ghép 425 triệu bức ảnh (có độ phân giải cao) của Mặt trời với tần suất chụp là 0,75 giây/lần từ ngày 2/6/2010 đến 1/6/2020. Mỗi giây của video tương đương với một ngày của Mặt trời và toàn bộ thập kỷ trôi qua chỉ trong khoảng 60 phút. Tuy nhiên, đoạn video này sẽ được tua nhanh chỉ trong 6 phút.

Trong suốt thập kỷ đó, Mặt trời đã trải qua một loạt những thay đổi lớn, trong đó tạo ra hiện tượng “vết đen Mặt trời” (sunspot). Đây là các khu vực tối trên bề mặt của Mặt trời, xuất hiện do nhiệt độ của chúng thấp hơn các vùng xung quanh, thường tồn tại ở những khu vực có cường độ từ trường mạnh. Những vết đen Mặt trời đã đạt đỉnh vào năm 2014 và giảm dần từ năm 2019. Sự tĩnh lặng này của Mặt trời không phải là điều đáng ngạc nhiên. Cụ thể, cứ sau 11 năm hoạt động mạnh mẽ, tức giai đoạn “cực đại Mặt trời” (Solar Maximum), các cực từ của Mặt trời sẽ đột ngột chuyển vị trí; từ Bắc thành Nam và từ trường hoạt động của Mặt trời bắt đầu suy yếu dần, trông như một vùng biển lửa vàng rực. Chu kỳ yên bình này được gọi là “cực tiểu Mặt trời” (Solar Minium) và chúng ta hiện đang ở giữa chu kỳ đó.

>> 4 điều chúng ta biết thêm về Mặt Trời nhờ tàu thăm dò Parker

Những thay đổi kể trên rất khó có thể quan sát được từ Trái đất bằng mắt thường, tuy nhiên, vệ tinh SDO của NASA lại thấy được chúng một cách rõ ràng bởi nó theo dõi Mặt trời bằng tia cực tím. Những bước sóng cao năng lượng này đi xuyên qua ánh sáng Mặt trời và để lộ ra những sự thay đổi mạnh mẽ về từ trường trong bầu khí quyển bên ngoài của Mặt trời.

Video tua nhanh ghi lại lịch sử 10 năm hoạt động của Mặt Trời:

Theo Space,
Phan Anh