Điện năng lượng mặt trời từ lâu được xem là lĩnh vực rất có tiềm năng ở Việt Nam, tuy nhiên trong những năm qua, tốc độ triển khai của điện mặt trời vẫn còn tương đối khiêm tốn. Nguyên nhân nào đang cản trở giải pháp năng lượng xanh, sạch này ở Việt Nam?

(ảnh: Shutterstock)
(ảnh: Shutterstock)

Nói về vấn đề này, có 2 yếu tố thúc đẩy và 3 yếu tố cản trở đối với điện mặt trời tại Việt Nam.

1. Khi điện hạt nhân, thủy điện, điện than đã tỏ rõ những khuyết điểm…

Ngày 22/11/2106, các đại biểu Quốc hội khóa 14 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết dừng thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với 92% phiếu thuận. Một trong những nguyên nhân của việc dừng dự án là chi phí dự án lớn, dẫn đến giá thành điện hạt nhân không cạnh tranh được với giá điện sản xuất theo hình thức khác. Bên cạnh khía cạnh giá thành, điện hạt nhân cũng tiềm ẩn mối nguy lớn về rò rỉ phóng xạ nếu có rủi ro xảy ra. 

Hàng loạt sự cố thấm, nứt, rò nước của thủy điện Sông Tranh 2 – Quảng Nam, tình trạng xả lũ ồ ạt vào mùa mưa, chặn dòng vào mùa khô gây nên lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng, cuốn đi nhiều sinh mạng, khiến mùa màng thất bát. Nhiều dòng sông trên Tây Nguyên đang chết… Nhiều quốc gia tại Châu Âu cũng như Mỹ đã phá bỏ rất nhiều đập thuỷ điện.

Tương tự, nhiệt điện than từ lâu đã được nhận định là một trong những nguyên nhân hủy hoại môi trường và gây ra nhiều căn bệnh về phổi và tim mạch từ nhiều hóa chất độc hại thải ra môi trường.

o-nhiem-bui-than-viet-nam

Xét về tính chất ‘xanh’ của nguồn năng lượng, thì điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm như điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều… cần được khuyến khích và đẩy mạnh ở Việt Nam.

2. Sự phát triển mạnh của công nghệ điện mặt trời trên thế giới

Sau khi xuất hiện vào năm 1977, chi phí đầu tư ban đầu cho điện mặt trời đã có tốc độ giảm chóng mặt từ 76,67 USD/Wh vào thời điểm đó xuống còn 0,3 USD/Wh vào năm 2014 đối với các tấm pin tinh thể silicon, tức là khoảng 300 USD (tương đương hơn 6 triệu đồng) cho một số điện!

Chi phí đầu tư ban đầu của tấm pin năng lượng mặt trời cho mỗi Wh giảm hơn 100 lần sau 40 năm (ảnh: Bloomberg)
Chi phí đầu tư ban đầu của tấm pin năng lượng mặt trời cho mỗi Wh giảm hơn 100 lần sau 40 năm (Biểu đồ: Bloomberg)

Tiến sĩ Richard Swanson – người sáng lập ra công ty năng lượng mặt trời nổi tiếng SunPower đã cho ra đời “định luật Swanson”. Theo định luật Swanson, cứ 10 năm thì giá điện mặt trời sẽ giảm một nửa. Định luật Swanson đã được kiểm chứng trong thực tế. Nhiều người đã coi định luật Swanson giống như định luật Moore về sự phát triển của khoa học máy tính và nó đã được thế giới thừa nhận.

Tháng 7/2015, công ty năng lượng First Solar của Mỹ đã đạt được thỏa thuận với công ty Berkshire Hathaway Energy của tỷ phú Warren Buffet về việc nhà máy điện mặt trời Playa Solar 2 có công suất 100 MW sẽ cung cấp điện với giá “siêu rẻ”: 3,87 cent/kWh tức là chỉ khoảng 840 đồng. Điều này được coi là xu thế tất yếu của định luật Swanson: giá điện mặt trời sẽ giảm 20% mỗi khi tăng gấp đôi sản lượng.

Ngày 1/5/2016 vừa qua, thành phố Dubai thuộc Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE đã thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá điện mặt trời. Công ty Dubai Electricity and Water Authority đã nhận được mức bỏ thầu cho dự án nhà máy điện mặt trời Sheikh Maktoum Solar Park Phase III với mức giá thấp kỷ lục, chỉ 3 cent Mỹ (tương đương 666 VNĐ) cho mỗi kWh điện.

>> Tesla và SolarCity giúp một hòn đảo chuyển sang 100% năng lượng mặt trời

3. Mức chi phí của điện mặt trời tại Việt Nam vẫn còn cao

Ngày 12/3/2015, Bộ Công Thương đã ban hành biểu giá chi tiết giá bán điện sinh hoạt được áp dụng từ ngày 16/3/2015. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/KWh chưa bao gồm thuế GTGT, tương đương 1.747 đồng/kWh đã bao gồm thuế GTGT. Thực tế hiện nay, đơn giá bình quân cho các gia đình sử dụng điện là 2.200đ/kWh.

Theo các chuyên gia điện năng lượng mặt trời ở Việt Nam, tại thị trường Việt Nam hiện nay, chi phí sản xuất cho mỗi kWh dao động từ 7 đến 7,5 cent Mỹ (khoảng 1.670đ/kWh) khi triển khai phương án kinh doanh bán điện mặt trời cho tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Với các hộ gia đình, nếu chỉ triển khai mô hình hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập (chỉ sử dụng điện mặt trời khi có ánh sáng, sử dụng điện lưới khi không còn ánh sáng mặt trời), chi phí đầu tư ban đầu sẽ vào khoảng 28 triệu đ/kWh, khi đó chi phí để sản xuất mỗi kWh sẽ vào khoảng 1.800đ với thời gian khấu hao từ 6 – 8 năm cho thiết bị. Chi phí này tương đương với giá điện của nhà nước.

Với các hộ gia đình không có điện lưới, việc không có ắc quy lưu trữ điện năng sẽ khiến cho họ không có điện khi ánh mặt trời tắt, vì vậy họ lắp thêm ắc quy cho mục đích sử dụng vào buổi tối, chi phí đầu tư ban đầu sẽ khoảng 48 triệu đồng/kWh. Tuổi thọ của tấm pin mặt trời là khá lớn, khoảng 25 năm, nhưng tuổi thọ ắc quy là khá ngắn, thường là 5 năm. Vì vậy, khi sử dụng ắc quy để lưu điện, chi phí cho mỗi kWh sẽ khoảng trên 3.000đ/kWh và phải thay ắc quy 5 năm mỗi lần.

4. Vì sao chi phí cho điện mặt trời tại nước ngoài thấp hơn nhiều so với Việt Nam?

Có một số nguyên nhân dẫn đến chi phí cho mỗi số điện mặt trời của các công ty nước ngoài thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Việt Nam:

Chi phí vốn thấp hơn cho dự án, chi phí đầu vào của thiết bị thấp hơn do công nghệ tốt hơn và quy mô dự án lớn hơn, các thiết kế hệ thống hiệu quả hơn.

Một yếu tố kỹ thuật quan trọng góp phần tạo nên mức giá thấp cho các nhà máy điện mặt trời ở nước ngoài là sự phổ biến rộng rãi của công nghệ theo dõi trục đơn, giúp các tấm pin mặt trời có thể xoay theo hướng tối ưu với mặt trời. Công nghệ này cho phép tăng thêm gần 15% lượng điện thu được so với các hệ thống trục cố định, làm giảm hơn nữa chi phí của cả hệ thống.

Công nghệ theo dõi trục đơn, giúp các tấm pin mặt trời có thể xoay theo hướng tối ưu với mặt trời
Công nghệ theo dõi trục đơn, giúp các tấm pin mặt trời có thể xoay theo hướng tối ưu với mặt trời (Ảnh qua solarnomics.net)

Bên cạnh đó, hiệu suất bức xạ của mặt trời cũng đóng góp rất lớn vào việc quyết định giá thành của mỗi số điện mặt trời. Hiệu suất bức xạ của mặt trời trên thế giới được xác định thông qua mức công suất điện thu được trên một m2 trong một giờ. Vùng có bức xạ mặt trời tốt nhất trên thế giới đạt hiệu suất 7,5kW/m2/h, trong khi đó vùng bức xạ kém nhất chỉ đạt dưới 2kW/m2/h.

Việt Nam nằm ở nước có bức xạ năng lượng mặt trời ở mức trung bình khá. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam vào khoảng 5kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, và vào khoảng 4kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc. Vì vậy, so với những khu vực có hiệu suất bức xạ năng lượng mặt trời cao hơn, chi phí cho mỗi số điện năng lượng mặt trời của Việt Nam là cao hơn.

Bản đồ hiệu suất bức xạ năng lượng mặt trời trên thế giới (Ảnh: SolarGIS)
Bản đồ hiệu suất bức xạ năng lượng mặt trời trên thế giới (Nguồn: SolarGIS)
Bản đồ bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam (Ảnh: energypedia.info)
Bản đồ bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam (Nguồn: energypedia.info)

5. Đầu tư cho điện mặt trời: cần có cơ chế mới để thúc đẩy

Theo Quy hoạch điện VII (Điều chỉnh), đến năm 2020, mỗi năm phải xây dựng nguồn điện mặt trời với công suất hơn 200 MW, từ năm 2020 – 2025, mỗi năm phải lắp đặt hơn 600 MW và 5 năm tiếp theo, mỗi năm phải lắp đặt 1.600 MW mới đạt kế hoạch đề ra. Đây là thách thức nhưng cũng là thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời.

Tại Hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam – Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21/9/2016, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần có những cơ chế về giá, hỗ trợ tài chính, thuế và bổ sung các quy định, quy chuẩn để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào lĩnh vực này.

Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, hiện nay, bên cạnh một số nhà máy đã được khởi công, cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước mới bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW đến trên 300 MW tại một số địa phương, chủ yếu tập trung ở miền Trung.

Như vậy, cho đến nay, việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời vẫn chỉ mới bắt đầu. Thách thức lớn nhất đối với việc phát triển điện mặt trời là biểu giá điện hiện hành vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào năng lượng mặt trời do suất vốn đầu tư còn khá cao so với nước ngoài trong khi Chính phủ cũng chưa ban hành giá bán loại năng lượng này.

Ngoài ra, với người tiêu dùng, chính phủ cũng cần có chính sách cho phép các hộ tiêu dùng bán phần công suất điện mặt trời dư thừa từ hệ thống điện mặt trời do họ chủ động đầu tư lên điện lưới. Điều này sẽ góp phần giảm sức ép lên hệ thống nhà máy điện trong tương lai.

Thiện Tâm (T/h)

Cập nhật ngày 15/4/2017: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị được ủy quyền sẽ mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh.

Xem thêm: