Đồ nhựa (plastic) không chỉ trông giống thức ăn, nó phát ra mùi và âm thanh hệt như thức ăn. Rác thải nhựa của con người có đủ loại hình dạng, kích cỡ và màu sắc khác nhau, được đổ thẳng trực tiếp ra biển. Lượng rác này tích tụ ngày càng nhiều, xâm lấn môi trường sống của các sinh vật biển, trở thành nguồn “thực phẩm” chính cho chúng.

rua an tui nylon image
(ảnh: Troy Mayne/Greenpeace)

Trong chương trình Blue Planet II gần đây, David Attenborough – phát thanh viên, nhà tự nhiên học người Anh – kể về 1 con hải âu đi kiếm thức ăn cho con non. “Nó ngậm đầy trong miệng… không phải cá, cũng không phải mực, mà là nhựa.”

Attenborough mô tả, đây là 1 điều kỳ lạ và rất đáng thương. Loài hải âu Albatrosses có thể bay hàng ngàn cây số để tìm kiếm con mồi và có thể bắt cá một cách dễ dàng. Vậy vì sao chúng lại có thể bị lừa, trở về từ chuyến đi gian nan của mình, không có gì ngoài những miếng nhựa? Thật ra, hải âu không phải là trường hợp duy nhất. Theo ghi nhận gần đây, đã có ít nhất 180 loài động vật biển thường xuyên tiêu thụ nhựa, từ các sinh vật phù du (zooplankton) đến cá voi khổng lồ.

>> Có thể bạn đang uống nước đóng chai có chứa vi hạt nhựa

Đồ nhựa đã được tìm thấy trong ruột của 1/3 lượng cá đánh bắt được ở Anh, gồm nhiều loài cá mà chúng ta tiêu thụ hằng ngày. Ngoài ra, chúng cũng được phát hiện trong ruột con trai và tôm hùm. Tóm lại, vô số các loài động vật biển đang ăn rác thải nhựa, bởi con người vẫn không ngừng đổ 12,7 triệu tấn phế thải vào đại dương mỗi năm.

Vì số lượng này ngày càng tăng qua từng năm, đến một lúc các loài sinh vật biển không còn gì để tiêu thụ ngoài nhựa. Trong đó, các loài sinh vật phù du cũng không ngoại lệ. Moira Galbraith, nhà sinh thái học tại Viện Khoa học Đại dương, Canada cho biết: “Nếu hạt nhựa rơi vào 1 phạm vi kích thước nhất định thì [đối với các loài sinh vật biển] nó được xác nhận là thức ăn.”

Đến nay, nhiều người thắc mắc rằng rác thải từ nhựa thật sự đã trôi xa đến đâu. Một nghiên cứu đã cho thấy chúng đã trầm xuống tận đáy biển. Qua 12 địa điểm thử nước biển tại Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương từ năm 2001 đến 2012, người ta thấy hàm lượng các vi hạt nhựa (microplastics) tăng đột biến. Kích thước của chúng chỉ dài 1mm và được tìm thấy từ độ sâu 300 mét dưới Địa Trung Hải đến trên 3.000 mét dưới đáy biển, với mật độ cao gấp 1.000 lần so với lượng rác thải nhựa tìm thấy trên bề mặt.

hai cau co long image
Nhựa đã trôi dạt tới Nam Cực (ảnh: Hội khảo sát Nam Cực của Anh Quốc)

Tại đây là nơi sinh sống của loài hải sâm (sea cucumbers) – sinh vật hình trụ và có xúc tu. Loài này thường không kén chọn về thực phẩm. Chúng bò quanh đáy đại dương, xúc bùn vào miệng để chiết ra các chất ăn được. Tuy nhiên, một phân tích cho rằng chúng có thể tiêu thụ tới 138 lần lượng nhựa nhiều hơn dự đoán trước đây, nhất là khi giờ đây nhựa được rải đầy thành 1 lớp trầm tích dưới đáy biển.

Giáo sư Lucy Woodall, tại bảo tàng Lịch Sử Tự Nhiên tại London cho biết: “Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Số lượng các hạt nhựa này rất lớn và giờ đây chúng đang tràn ngập trong đại dương. Đến lúc chúng ta phải tìm hiểu tác hại của chúng đối với môi trường tự nhiên.”

>> 14 cách đơn giản để giảm thiểu rác thải nhựa

Vậy vì sao các loài sinh vật biển lại ăn nhựa?

Để lý giải điều này, chúng ta cần tìm hiểu về giác quan của chúng. “Khả năng nhận thức và cảm nhận (môi trường xung quanh) của động vật khác xa so với con người. Tùy trường hợp mà khả năng này có thể vượt trội hoặc tệ hơn chúng ta,” Matthew Savoca thuộc Trung tâm Khoa học Thủy sản Tây Nam NOAA ở Monterey, California cho biết.

Đầu tiên, động vật có thể nhầm lẫn nhựa với các thực phẩm quen thuộc của chúng, ví dụ một hạt nhựa nhỏ trông giống như trứng cá non. Loài rùa biển chủ yếu dựa vào tầm nhìn để tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra, chúng cũng được cho là có khả năng nhìn thấy ánh sáng tia cực tím (ultra-violet), khiến thị giác của chúng khác xa chúng ta. Màu sắc cũng là một yếu tố quan trọng để nhận biết thực phẩm, dù mỗi loài có sở thích khác nhau. Rùa thích nhựa màu trắng, trong khi chim biển (shearwaters) lại chọn nhựa màu đỏ.

Qamar Schuyler tại Đại học Queensland, Úc, đã tìm hiểu điều này. Cô kiểm tra dạ dày những con rùa đã chết và phát hiện: trong khi ruột của rùa con có nhiều loại nhựa khác nhau, thì ruột của rùa già chủ yếu là loại nhựa mềm và trong suốt. Cô cho rằng điều này là do chúng thường nhầm lẫn các miếng nhựa với loài sứa.

con rua tui nylon image
(ảnh: Internet)

Thứ 2, con người thường dựa vào thị giác để nhận biết môi trường xung quanh, nhưng nhiều loài động vật biển, gồm cả hải âu, lại chủ yếu dựa vào khứu giác.

Matthew Savoca và các cộng sự đã tiến hành các thí nghiệm cho thấy 1 số loài chim biển và cá bị thu hút bởi dimethyl sulfide (DMS), 1 mùi phát ra khi loài nhuyễn thể hay moi lân (krill) ăn tảo biển (algae). Đây là loài giáp xác mềm giống như tôm, là nguồn thực phẩm chính của chim biển và cá. Tuy nhiên, khi rác thải nhựa bị phân hủy trong môi trường tự nhiên, nó cũng phát ra mùi này, giống như lưu huỳnh. Điều này khiến các loài chim biển tưởng rằng nhựa là thức ăn, và tiêu thụ chúng thay cho nhuyễn thể.

“DMS là tiếng chuông báo hiệu,” Matthew Savoca, nghiên cứu sinh tại Đại học California, Davis cho biết: “Khi ngửi thấy mùi, chúng sẽ biết có thức ăn trong nội trong khu vực này.” Trong đó, các loài chim hải âu là nhóm tiêu thụ nhựa nhiều nhất.

hai au rac thai nhua image
(ảnh: Chris Jordan)

Bên cạnh tầm nhìn và khứu giác, động vật còn dùng sóng âm (echolocation) để tìm thức ăn, như cá heo và cá voi có răng. Đến nay, xác của hàng chục con cá nhà táng và cá voi đã được phát hiện. Trong dạ dày của chúng có đầy túi nhựa, phụ tùng xe hơi và các mảnh vụn khác. Savoca nói rằng khả năng định vị của chúng đã xác định những miếng nhựa này là thức ăn.

Hiện nay, các mảnh vụn rác thải nhựa đã tích tụ nhanh chóng trong các đại dương, tăng gấp đôi qua mỗi thập kỷ. Một báo cáo cho biết quy trình chế tạo các sản phẩm nhựa đã tăng 20 lần từ năm 1964, và đạt tới 311 triệu tấn trong năm 2014. Dự đoán rằng số lượng này sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới, và đến năm 2050 sẽ tăng xấp xỉ gấp 4 lần.

Theo NatGeo, TheGuardian,
Thanh Sơn tổng hợp