Một nhóm hoạt động nhân quyền mang tên “USB vì tự do” đang thực hiện “buôn lậu thông tin” để giải cứu người dân đang sống trong chế độ bưng bít thông tin số 1 thế giới của Bắc Triều Tiên. Họ sử dụng những chiếc USB rất nhỏ bé và đơn giản làm phương tiện truyền thông của mình.

usb vi tu do
(ảnh: Human Rights Foundation)

Những chiếc USB bé nhỏ đã trở thành phương tiện chia sẻ thông tin chủ yếu của người dân Bắc Triều Tiên – vốn bị cô lập với thế giới và không có mạng Internet. Nhiều năm qua, một nhóm những người trốn chạy khỏi Bắc Triều Tiên đã quay lại giúp đỡ đồng bào mình thoát khỏi nhà tù thông tin do chính quyền Kim Jong-un dựng lên. Họ đã tuồn những chiếc USB chứa tin tức của thế giới tự do vào trong nước. Nhóm hoạt động này có tên Flash Drives for Freedom – FDFF (tạm dịch: USB vì Tự do).

Ban đầu, nhóm chủ yếu mua USB từ các nhà cung cấp. Tuy vậy, do nguồn lực có hạn, FDFF đang kêu gọi sự đóng góp từ các cá nhân và tổ chức trên thế giới. Mọi người có thể quyên góp những chiếc USB cũ của mình và gửi tới cho họ; hoặc trực tiếp ủng hộ tiền để nhóm mua USB.

FDFF cho biết cứ mỗi đôla nhận được, sẽ có thêm 1 USB được gửi vào trong Bắc Triều Tiên. FDFF làm tất cả điều này không vì lợi nhuận, 100% tiền họ nhận được đều sẽ dùng để đưa USB vào Bắc Triều Tiên. Giá mua USB theo lô lớn của họ hiện rơi vào khoảng 0,85 USD/cái.

Đối với những chiếc USB cũ của người quyên góp, FDFF trước tiên sẽ xóa sạch dữ liệu, sau đó loại bỏ logo nhà sản xuất. Tiếp theo, nhóm sẽ tải những nội dung chống tuyên truyền mị dân của Kim Jong-un và mở mang thế giới cho người xem.

Chiếc USB sau đó được tuồn vào trong nước qua nhiều hình thức, một trong số đó là thông qua thị trường chợ đen vốn rất phát triển ở nước này. Phần lớn người dân Bắc Triều Tiên có thể tiếp cận các thiết bị điện tử đọc được USB.

Trên trang web của mình, nhóm hoạt động cho biết họ đã được quyên góp và ủng hộ được 125.000 chiếc USB. Thông tin đến được 1,3 triệu người Bắc Triều Tiên. Người dân đã dành 50 triệu giờ để đọc các tài liệu, cùng với 2,1 triệu giờ xem video được gửi vào Bắc Hàn, tính cho đến cuối năm 2018.

Vậy cụ thể có những gì trong những chiếc USB ấy? FDFF cho biết, những người trốn chạy khỏi Bắc Hàn sẽ quyết định nội dung của chúng. Có vẻ như họ có một hệ thống liên lạc bí mật để biết được người trong nước thích xem gì và điều chỉnh lại cho phù hợp.

usb vi tu do 3
Buổi trưng bày và nhận USB cũ của tổ chức “USB vì Tự do” năm 2016 tại Texas (ảnh: Human Rights Foundation)

Phần lớn nội dụng là phim ảnh, từ những bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, cho tới những tác phẩm điện ảnh của các tài tử Hollywood như Arnold Schwarzenegger, Leonardo DiCaprio and Sylvester Stallone, các series truyền hình Mỹ như “Hunger Games”, “Desperate Housewives” và “Spartacus” cũng rất được ưa chuộng. Bên cạnh đó, USB còn chứa Wikipedia phiên bản tiếng Hàn và các cuộc phỏng vấn những người Bắc Triều Tiên đã may mắn vượt biên.

>> RFA: Càng bị đàn áp, Pháp Luân Công càng được quan tâm tại Bắc Triều Tiên

Đưa thông tin từ thế giới tự do vào Bắc Triều Tiên có vẻ là điều mà những người yêu mến nhân dân đất nước khổ hạnh này đều muốn làm. Năm ngoái, có người đã gửi 10.000 bản phim “The Interview” (tạm dịch: Cuộc phỏng vấn) vào Bắc Hàn bằng những quả bóng bay. Đây là bộ phim hài có chủ đề xoay quanh âm mưu ám sát lãnh tụ Kim Jong-un của hai tài tử Seth Rogen và James Franco.

Chính quyền Bắc Hàn biết việc này và rất nặng tay trừng phạt những người sở hữu chiếc USB. Tuy vậy, giấy báo không thể gói được lửa, việc tiếp cận với thông tin không bị kiểm duyệt đã gia tăng đáng kể tại Bắc Triều Tiên trong suốt 20 năm qua. Sự khao khát tự do đã biến những thông tin ấy thành thứ có giá trị và rất được mong ngóng ở Bắc Triều Tiên. Rốt cuộc thì, tiếp cận thông tin không phải là đặc ân của bất kể một ai, mà là quyền lợi cơ bản của tất cả chúng ta.

Dự án “USB vì Tự do” nhận hỗ trợ bằng rất nhiều cách: USB cũ, tài chính, công sức hoặc bán các sản phẩm online

Hạ Chi tổng hợp