Zao là một ứng dụng deepfake cho phép người dùng ghép mặt mình vào các cảnh phim và chương trình truyền hình nổi tiếng. Bạn chỉ cần tải một bức ảnh chụp gương mặt của mình và ứng dụng này sẽ làm phần việc còn lại. Tính năng đó đã giúp cho ứng dụng Zao “gây bão” tại Trung Quốc.

Ứng dụng Zao của TQ đưa gương mặt bạn vào các bộ phim nổi tiếng
(Ảnh tổng hợp từ video)

Deepfake là một thuật ngữ dùng để chỉ những video giả mạo, bị chỉnh sửa, bóp méo khiến chúng trông như thật nhờ sự hỗ trợ của AI (trí tuệ nhân tạo). Nó được xây dựng nhằm phô diễn sức mạnh của AI, nhưng lại mở ra một khả năng rất lớn cho những kẻ muốn làm điều xấu, ví dụ như tung tin giả (fake news).

Theo hãng tin Bloomberg, Zao được ra mắt vào ngày 30/8 và nhanh chóng lọt vào top đầu bảng xếp hạng các ứng dụng miễn phí của App Store trên nền tảng iOS tại Trung Quốc. Giống như ứng dụng “lão hóa” khuôn mặt có tên FaceApp trước đó, Zao hiện đang phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ vì ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng.

Allan Xia, một người dùng Twitter, đã đăng một đoạn video dài 30 giây cho thấy tính năng của ứng dụng Zao. Cụ thể, Xia đã thay gương mặt của nam diễn viên Leonardo Dicaprio trong những bộ phim nổi tiếng của anh bằng mặt của một người khác.

Anh cho biết đoạn video này được tạo ra trong chưa đầy 8 giây từ một bức ảnh duy nhất. Tuy nhiên, theo Bloomberg, ứng dụng này yêu cầu bạn mở, khép miệng và mắt khi chụp ảnh nhằm tạo ra kết quả chân thực hơn.

Xia cho biết ứng dụng này chỉ cung cấp một số lượng các video “ghép mặt” nhất định. Nhiều khả năng, những nhà phát triển ứng dụng đã “huấn luyện” các thuật toán trên mỗi đoạn video để cho ra kết quả như thật khi người dùng ghép gương mặt của mình vào.

Công nghệ này tương tự như những gì chúng ta đã thấy gần đây từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Anh), với việc cho ra đời công nghệ có thể biến một bức ảnh duy nhất thành một bức chân dung biết ca hát. Sự khác biệt ở đây là Zao đã chèn một khuôn mặt mới vào video hiện có, thay vì tạo ảnh động trực tiếp từ bức ảnh tĩnh. Điều này cho thấy công nghệ đã phát triển nhanh như thế nào. Trước đây, chúng ta phải cần đến hàng trăm bức ảnh để tạo ra một video deepfake thì giờ chỉ cần một bức ảnh duy nhất đã cho ra kết quả tốt hơn.

Lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân của ứng dụng Zao

Chính sách về quyền riêng tư của Zao đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người dùng, thể hiện ra là hàng ngàn đánh giá tiêu cực trên App Store. Theo hãng tin Bloomberg, ứng dụng Zao có nhà phát triển là Công nghệ Mạng Trường Sa Shenduronghe, công ty con thuộc sở hữu của Momo, công ty Trung Quốc sở hữu dịch vụ hẹn hò và phát hình trực tiếp (live-streaming).

Cũng theo Bloomberg, chính sách về quyền riêng tư của công ty này bao gồm một điều khoản nói rằng nhà phát triển sẽ được dùng “miễn phí, được chuyển nhượng, không hủy ngang, vĩnh viễn và có thể tái cấp phép” đối với tất cả các nội dung do người dùng tạo ra hoặc tải lên.

Trước phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, công ty đã phải nhanh chóng thay đổi điều khoản trên và nói sẽ không sử dụng hình ảnh, video của người dùng cho bất cứ mục đích nào khác nếu không được sự cho phép, ngoại trừ việc cải tiến ứng dụng. Công ty cũng sẽ xóa dữ liệu người dùng khỏi máy chủ khi người dùng xóa dữ liệu của họ khỏi ứng dụng.

>> “Nữ thần” Trung Quốc bị phát hiện sử dụng bộ lọc khuôn mặt

Tranh cãi này tương tự với cuộc tranh cãi xung quanh ứng dụng FaceApp hồi đầu năm 2019 và lại một lần nữa trở thành “cơn sốt” vào tháng 7. Nhà phát triển ứng dụng này đã buộc phải làm rõ chính sách về quyền riêng tư của mình và cho phép người dùng xóa ảnh khỏi máy chủ nếu họ muốn.

Việc bị lộ hình ảnh khuôn mặt có thể gây ra nhiều rắc rối. Lấy ví dụ, ở Hồng Kông, những người biểu tình đã phải rất nỗ lực tìm cách ẩn đi khuôn mặt của mình trước công nghệ nhận dạng khuôn mặt mà cảnh sát đang sử dụng để xác định và bắt giữ họ. Mọi người ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu hình ảnh khuôn mặt của mình, cũng bởi các công ty công nghệ có thể sẽ không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ dữ liệu đó.

Khi sử dụng bất cứ một dịch vụ miễn phí nào, công ty đều sẽ thu được lợi nhuận từ các dữ liệu của bạn. Đôi khi, nó có thể nhắm đến mục tiêu quảng cáo tốt hơn, có thể đào tạo AI để nhận dạng khuôn mặt tốt hơn, cũng có thể dùng vào các mục đích khác mà người dùng không thể biết được.

Theo The Verge,
Phan Anh