Hôm 28/1 vừa qua, các nhà khoa học tại Viện Lây nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne (Úc) đã trở thành những người đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tái tạo thành công virus corona mới trong phòng thí nghiệm, qua đó tạo nên một bước đột phá lớn trong việc chế tạo ra vắc-xin chống lại loại virus này, theo tờ ABC (Úc).

Úc: Tái tạo thành công virus corona Vũ Hán, tăng tốc bào chế vắc-xin
Việc táo tại được virus corona Vũ Hán là bước đệm quan trọng trong việc chế tạo vắc-xin (Ảnh: CSIRO)

Các chuyên gia cho biết họ sẽ chia sẻ thành quả của mình cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở châu Âu, sau đó là các phòng thí nghiệm trên toàn cầu nhằm điều chế vắc-xin ngăn chặn dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.

Nhóm các nhà khoa học đã phát triển virus từ một bệnh nhân bị nhiễm bệnh từ hôm 24/1. Ông Mike Catton, phó giám đốc của Viện Doherty đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi đã làm được rồi. Thật tuyệt vời.”

Australia lab Wuhan Virus 1
Ông Mike Catton. (Ảnh: Doherty Institute)

Theo ông Catton, phát hiện trên là “cực kỳ quan trọng” bởi nó giúp ích cho các nhà khoa học trong việc kiểm tra các loại vắc-xin tiềm năng có thể chống lại virus Vũ Hán. Ngoài ra, nó cũng cho phép các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm để xác định người có thể bị nhiễm virus hay không, ngay cả trước khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng bên ngoài nào.

Hiện tại ở Úc, những bệnh nhân có triệu chứng của virus corona ban đầu trải qua xét nghiệm tại bệnh viện, sau đó các mẫu thử sẽ được gửi đến Viện Doherty – phòng thí nghiệm duy nhất ở Úc có thể kiểm tra mẫu thử lần thứ hai và trả lời được chắc chắn rằng liệu ai đó có bị nhiễm bệnh hay không. Trước đó, một cơ sở nghiên cứu tại Trung Quốc đã tái tạo thành công virus corona, nhưng từ chối chia sẻ kết quả với WHO.

Các nhà khoa học ở Trung Quốc đã chia sẻ thông tin di truyền về virus để các bác sĩ tại các quốc gia khác có thể chẩn đoán virus corona ở bệnh nhân. Tuy nhiên, họ đã không chia sẻ một bản sao thực sự của loại virus này, vậy nên với phiên bản do Úc phát triển, các nhà khoa học giờ đây đã có thể thử nghiệm nhiều loại vắc-xin khác nhau.

>> Vì sao xuất hiện nghi vấn virus viêm phổi Vũ Hán là nhân tạo?

Ông Julian Druce, nhà khoa học đứng đầu của Viện Doherty, người đã có mặt cùng với ông Catton tại thời điểm diễn ra sự kiện trên cho biết đây là một bước phát triển vô cùng quan trọng đối với sự hiểu biết toàn cầu về virus, cũng như cách thức chống lại nó.

“Đây sẽ là một sự thay đổi mang tính bước ngoặt đối với các phòng thí nghiệm khác ở Úc,” ông Druce cho hay. Việc tái tạo thành công virus corona cũng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của nó.

Virus corona mới được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ở Melbourne nói trên đã được gửi đến phòng thí nghiệm thú y thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO) tại thành phố Geelong. Đây được xem là một trong những cơ sở thí nghiệm khoa học an toàn nhất của quốc gia này. Các nhà khoa học tại CSIRO sẽ cố gắng nắm bắt thêm về cách thức hoạt động của virus corona, cũng như thử nghiệm các phương pháp điều trị tiềm năng.

Úc: Tái tạo thành công virus corona Vũ Hán, tăng tốc bào chế vắc-xin
Cơ sở CSIRO “có tính ngăn chặn cao” chứa một số virus nguy hiểm nhất thế giới như Zika, Ebola và SARS. (Ảnh: CSIRO)

Giáo sư Bill Rawlinson từ Bệnh viện Y tế bang New South Wales và Đại học New South Wales cho biết: “Hiện tại, có khoảng 230 phương pháp điều trị tiềm năng cho virus corona đang được thử nghiệm trên khắp thế giới. Khi có virus sống, chúng tôi có thể kiểm tra các loại thuốc chống virus trong ống nghiệm, điều đó có nghĩa là chúng tôi có thể biết được loại nào có thể hoạt động chống lại virus này và loại nào sẽ được đưa vào thử nghiệm”, ông cho hay. Các nhà khoa học từ Đại học Queensland đang sử dụng công nghệ mới để phát triển loại vắc-xin này trong vòng 4 tháng.

Chuyên gia về virus học tại CSIRO, ông Trevor Drew, cho biết virus này đã được xử lý trong các tủ nơi không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa vật liệu và các nhà khoa học. “Nếu phải tiếp xúc, chúng tôi có thể mặc những bộ đồ rất phức tạp với hệ thống lọc không khí riêng”, ông Trevor cho hay.

Ông Grenfell, Giám đốc y tế và an toàn sinh học của CSIRO cho biết Phòng thí nghiệm thú y nói trên là một trong những cơ sở hàng đầu về xử lý mầm bệnh nguy hiểm. “Trung tâm tại Geelong là một trong số ít những nơi trên Trái đất thực sự có thể thực hiện loại công việc này. Chúng tôi đã tham gia nhiều năm trong các nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với những bệnh như Ebola, Zika.”

>> Truyền thông TQ: Dịch viêm phổi đã xuất hiện tại Vũ Hán từ tháng 9/2019

Theo ABC,
Phan Anh tổng hợp