Một báo cáo điều tra mới của tổ chức Hòa bình Xanh đã hé lộ những sự thật về tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng do thói quen xả rác thải của nước Mỹ.

bai rac thai 2
1 bãi chôn rác thải (ảnh: Internet)

Đã 10 tháng kể từ khi Trung Quốc đóng cửa không nhập khẩu rác thải tái chế (từ ngày 1/1/2018). Trong 20 năm qua, đất nước này đã nhập khẩu một lượng khổng lồ nhựa và các vật liệu tái chế từ các quốc gia như Anh Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Nói ‘khổng lồ’ không quá lời một chút nào: nước Anh vận chuyển 2/3 rác thải của mình sang Trung Quốc, còn Hoa Kỳ là 70%.

Nói chung, Trung Quốc đã từng nhận về 45% rác thải tái chế của toàn thế giới.

Quyết định của Trung Quốc hiển nhiên đã đẩy ngành công nghiệp tái chế rác vào khủng hoảng vì hầu hết các quốc gia không có đủ cơ sở hạ tầng để giải quyết đống rác của chính mình. Kết quả là, nhiều thành phố và khu đô thị thiếu có năng lực tái chế đã bắt đầu phải đem chôn hoặc đốt bỏ một lượng lớn các sản phẩm mà trước đây từng được tái chế.

>>  Trung Quốc dừng nhập rác thải nhựa, Anh Quốc hoang mang

Nhận thấy các nhà tái chế rác ở Mỹ đang phải chật vật để thích nghi với những thay đổi, và tò mò với những gì đang diễn ra trong bóng tối, tổ chức Hòa bình Xanh đã thực hiện một cuộc điều tra có tên ‘Khai quật’.

Các nhà điều tra đã phát hiện lượng xuất khẩu rác thải nhựa của Mỹ đã lao dốc 1/3 trong nửa đầu năm 2018, và thị trường thay thế là các nước Đông Nam Á. Xuất khẩu tới Thái Lan tăng 2.000%, tới Malaysia tăng 273%, và tới Việt Nam tăng 46%.

Việt Nam cũng bị quá tải tới mức phải cấm nhập khẩu từ tháng 6 tới tháng 10. Các cơ sở xử lý nhựa ở Kuala Lumpur đã buộc phải đóng cửa trước những than phiền về ô nhiễm nước và không khí của cư dân xung quanh.

Báo cáo “Khai quật” cho biết vẫn còn 280.000 tấn nhựa không được xuất ra khỏi nước Mỹ nhưng không biết đã đi đâu, khiến các nhà điều tra nghi ngờ rằng chúng đã bị đốt hoặc đem chôn.

Sự gia tăng tái chế rác ở các thị trường mới là rất đáng lo ngại vì nhiều lý do. Robin Wiener, CEO của Viện Rác thải Tái chế Công nghiệp nói với các nhà điều tra thuộc nhóm Khai quật như sau:

Một số quốc gia không có đủ cơ sở hạ tầng như cầu cảng và đường xá để đáp ứng khối lượng rác thải gia tăng. Những nhà tái chế mới nổi đang cố gắng tận dụng sự dịch chuyển của thị trường nhưng họ không làm theo đúng quy cách. Họ không tuân thủ các tiêu chuẩn công nghiệp về môi trường, sức khỏe và an toàn.”

Đây đều là những lo lắng hợp tình hợp lý, nhưng với những ai tưởng rằng Trung Quốc thực hiện quy trình tái chế an toàn hơn và sạch sẽ hơn thì họ nên dành vài phút để xem trích đoạn này từ bộ phim tài liệu giàu cảm xúc của Vương Cửu Lương có tên ‘Nhựa Trung Quốc.’ Ngành công nghiệp này thật kinh khủng và đầy nguy hiểm. Tờ New York Times đã có lời bình luận về tác phẩm của họ Vương như sau,

Hàng ngàn xưởng tái chế gia đình vận hành ngoài trời, cắt nhựa ra thành những mảnh nhỏ rồi bán cho các nhà máy ở phía Nam Trung Quốc, nơi biến chúng thành những sản phẩm nhựa mới. Không khí và các dòng sông xung quanh bị ô nhiễm nặng nề. Các công nhân dùng tay không để sàng rác thường bị kim đã qua sử dụng đâm phải.”

Trong khi đó ở Hoa Kỳ, những nhà tái chế trước đây từng trả tiền cho các thành phố để mua rác thì nay quay sang đòi tiền dịch vụ. Báo cáo viết:

San Diego đang phải đứng trước khoản phí hàng năm 1,1 triệu đô la phải trả cho nhà thầu xử lý rác, vốn năm ngoái từng cấp cho thành phố này khoản tiền 4 triệu đôla. ‘Những nguồn lợi từ rác tái chế nay trở thành chi phí, điều chúng ta chưa từng thấy ở California trước đây,’ Zoe Heller, trợ lý giám đốc phát triển chính sách tại CalRecycle, cơ quan quản lý rác thải bang California cho dự án Khai quật biết. ‘Thứ trước đây từng hái ra tiền giờ trở thành một gánh nặng chi phí.’”

Đối mặt với chi phí gia tăng, sẽ không khó hiểu nếu một số thành phố đem chôn đống rác của họ thay vì trả tiền để tái chế nó. Cư dân có thể sẽ phải gánh thêm chi phí từ chính đống rác của họ, ví như phải đóng thuế cao hơn chẳng hạn. Một thành phố ở Vermont đang lên kế hoạch tăng thuế và đây hẳn là một ý tưởng hay.

>> Vì sao các loài động vật biển không thể ngừng ăn rác thải nhựa?

Nếu nước Mỹ không có khả năng đưa rác tới những địa phương xa xôi, và nếu họ buộc phải chôn rác ở sân nhà, thì mục tiêu tiến tới xã hội không rác thải và bao bì tái sử dụng sẽ trở thành một nỗi ám ảnh với chính họ. Việc người Mỹ có thể gửi phần lớn rác thải ra nước ngoài đã khiến họ trở thành những người tiêu dùng tự mãn và lười biếng.

Báo cáo này đã nhấn mạnh một vấn đề đã được tranh luận nhiều năm – rằng tái chế không phải là một giải pháp hiệu quả. Nó không phải là một giải pháp tốt đẹp và thân thiện với môi trường như nhiều người tưởng.

Điều chúng ta cần làm là ngừng việc vứt rác vô tội vạ, kể cả đó là vào thùng rác tái chế hay thùng không tái chế (trừ việc dùng rác làm phân ủ). Người tiêu dùng cũng cần đưa ra những lựa chọn thông minh và bền vững hơn, đồng thời phải tạo áp lực lên các nhà sản xuất để họ đưa ra những giải pháp bao bì tuần hoàn hiệu quả hơn.

Theo Treehugger
Quốc Hùng tổng hợp