Đối với nhiều người, ví tiền thật phiền phức. Chúng phồng lên trong túi quần hay lăn lóc trong túi xách của bạn, dày cộm vì phải chứa những đủ loại thẻ cùng giấy tờ không cần thiết hoặc hiếm khi sử dụng.

Nhưng chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ đang có những bước tiến chóng mặt. Tại sao chúng ta lại phải mang theo hàng đống thẻ này thẻ khác, rồi chìa khóa nhà, chìa khóa xe, chìa khóa văn phòng khi mà công nghệ đã có thể thay thế hết thảy những thứ đó?

Rất nhiều người đang số hóa những vật dụng trên và chuyển chúng vào trong điện thoại thông minh của họ, tất nhiên là bằng cách sử dụng các dịch vụ như Apple Pay hay chìa khóa thông minh. Nhưng điện thoại có thể bị thất lạc hay bị hack. Vậy nên ngày càng nhiều người, trong đó có khoảng 3.000 người Thụy Điển, đang lựa chọn một phương thức táo bạo, thực dụng nhưng cũng gây tranh cãi hơn: phẫu thuật cấy chip.

microchip copy
(ảnh qua hackread.com)

Cấy chip vào cơ thể

Con chip này về bản chất hoạt động như một chùm chìa khóa số. Công nghệ NFC (giao tiếp tầm gần) là một phương thức để gửi các thông tin không dây từ con chip tới một bộ đọc khi chúng cách nhau khoảng 4cm (NFC là một biến thể tiên tiến hơn của công nghệ nhận dạng tần số radio RFID).

Một con chip sử dụng công nghệ NFC trong bàn tay có thể giúp người ta làm những việc như: vào phòng tập gym, mở khóa cửa xe ô tô và văn phòng, thanh toán thẻ tín dụng. Khi công nghệ tiếp tục phát triển, con chip này chắc chắn còn có thể làm được nhiều việc hơn nữa trong tương lai.

>> Thụy Điển cạn kiệt nguồn rác, phải nhập khẩu từ các nước láng giềng (video)

Người ta đưa con chip có kích thước cỡ một hạt gạo này vào vị trí giữa ngón trỏ và ngón cái của bạn bằng một cây kim có kích thước tương tự như kim tiêm y tế thông thường. Một số người nói nó có cảm giác như bạn đang được truyền nhỏ giọt tĩnh mạch vậy. Khi cái kim được rút ra, vết đâm sẽ lành lại trong vài ngày còn con chip sẽ nằm lại ví trí đó, sẵn sàng phục vụ người dùng.

Công nghệ này thực ra không mới. Người dân tại Thụy Điển và một số quốc gia khác đã sử dụng các con chip theo cách này ít nhất từ năm 2015. Thậm chí trước đó, một số công ty lớn đã tổ chức “các bữa tiệc mô cấy” để những người dùng chip có thể giao lưu với nhau. Con chip này cũng không phức tạp hơn loại chip mà các nhà thú y cấy vào cổ chó mèo để giúp chủ nhân định vị và tìm kiếm trong trường hợp chúng đi lạc.

Rủi ro về bảo mật thông tin cá nhân?

Trước đây, chỉ những kẻ chơi ngông thích can thiệp vào cơ thể con người mới cấy ghép chip – nhưng giờ thì cả người bình thường cũng bắt đầu làm vậy. Điều này đặc biệt đúng ở Thụy Điển, nơi những con chip này phổ biến đến nỗi, kể từ tháng 6 năm 2017, người ta đã có thể mua vé tàu với một con chip dưới da tay.

Tuy vậy, số người được cấy chip ngày càng tăng lên không đồng nghĩa với việc công nghệ này tốt cho tất cả mọi người. Một con chip nằm dưới da cho phép các công ty kiểm soát nhân viên của mình dễ dàng hơn – họ có thể biết bạn đang ở đâu, ăn trưa mất bao nhiêu thời gian mỗi ngày, vào nhà vệ sinh bao nhiêu lần, tất nhiên là với điều kiện bạn chủ động sử dụng con chip của mình.

Khi mà các công ty lớn đang dần đi theo xu thế, thì việc họ dùng chip để quản lý nhân viên theo cách này chỉ còn là vấn đề thời gian. Với một con chip được cấy trong thân thể, sẽ rất khó để bạn thoát khỏi sự thu thập thông tin kiểu này. Nếu muốn sống cách ly khỏi thế giới một chút, bạn có thể bỏ ví ở nhà, nhưng bỏ một con chip ra khỏi cơ thể ư? Không đơn giản một chút nào.

Ngoài đó ra còn là những lo ngại về bảo mật dữ liệu. Việc các con chip không được kết nối với internet có thể giúp các bạn an tâm phần nào với dữ liệu của mình. Mặc dù vậy NFC vẫn có thể bị hack với một bộ đọc đặc biệt và những thủ thuật lập trình phức tạp. Các điện thoại thông minh đã giải quyết vấn đề này bằng cách kết hợp công nghệ NFC với bảo mật sinh học, như vân tay của bạn chẳng hạn. Nhưng các con chip nhỏ xíu này thì không thể bảo mật theo cách ấy, và điều này có thể khiến cho các dữ liệu cá nhân của bạn trở thành mồi ngon cho tin tặc.

Vậy là chúng ta đã hình dung được phần nào – Thụy Điển, người dân ở đó đang bước đầu trở thành những kẻ nửa người nửa máy trong khi hầu hết chúng ta vẫn còn đang loay hoay với đống chìa khoá và những cái ví phình ra. Nhưng nếu không có những biện pháp bảo mật hiệu quả hơn, và sự bảo đảm các bí mật trên mạng, thì trào lưu cấy chip sẽ có thể nhanh chóng trở thành một cơn ác mộng về bảo mật số cho nhân loại.

Theo Futurism,
Quốc Hùng