Cho đến nay, Hiệp định Paris có lẽ là động thái khả dĩ nhất của nhân loại trong việc giảm thiểu những tác động kinh hoàng của biến đổi khí hậu. 179 quốc gia đã cam kết giảm phát thải cacbon để đảm bảo nhiệt độ toàn cầu không tăng 2 độ C (3,6 độ F) so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 6/8 trên tạp chí Chuyên đề của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS), những nỗ lực bảo vệ môi trường này là không đủ.

Ngay cả khi tất cả thành viên ký kết Hiệp định Paris đáp ứng được các mục tiêu về phát thải cacbon, con người vẫn có thể phải đối mặt với tình trạng Trái Đất nóng lên trong nhiều thập kỷ tới.

>> Biến đổi khí hậu: Đừng chỉ nghe người ta nói, hãy xem họ làm gì

Viễn cảnh u ám

Một khi Trái Đất nóng lên, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ cao hơn 4-5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, ngoài ra mực nước biển sẽ cao hơn từ 10-60 mét so với hiện nay. Theo như nhận định của các nhà nghiên cứu, Trái Đất nóng lên sẽ gây ra sự hỗn loạn toàn cầu.

“Vào cuối thế kỷ này hoặc sớm hơn, việc Trái Đất nóng lên gần như chắc chắn sẽ gây ra hiện tượng ngập lụt các vùng đồng bằng, làm gia tăng nguy cơ thiệt hại từ các cơn bão ven biển và hủy hoại các rạn san hô cũng như những điều tốt đẹp khác mà Trái Đất đã mang đến cho nhân loại,” các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo.

Theo các tác giả nghiên cứu, vấn đề là ngay cả khi con người ngừng phát thải cacbon vào khí quyển, nhiệt độ vẫn có thể tăng lên đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp; có thể dẫn đến việc Trái Đất đưa ra các chuỗi phản ứng như làm tan lớp băng vĩnh cửu, hủy hoại rừng nhiệt đới Amazon, và giảm lượng băng biển vào mùa hè ở Bắc Cực. Những hiện tượng này sẽ giải phóng lượng cacbon được lưu trữ hiện tại và làm tăng nhiệt độ của hành tinh.

“Những yếu tố này có thể đóng vai trò như hiệu ứng domino. Khi một hiện tượng xảy ra, hàng loạt các thảm họa khác theo đó sẽ xảy ra trên Trái Đất mà không có hồi kết. Thật sự rất khó khăn để ngăn chặn hiệu ứng domino này,” đồng tác giả Johan Rockström cho biết. “Nhân loại sẽ không tồn tại được nếu việc Trái Đất nóng lên trở thành hiện thực.”

Theo các nhà nghiên cứu, cách tốt nhất của để tránh hiệu ứng domino này là tạo ra hoặc tăng cường sức chứa cacbon trong hệ sinh quyển. Nhóm nghiên cứu cho rằng cần bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện việc quản lý rừng, và phát triển các hệ thống thu cacbon mà có thể lưu trữ dưới lòng đất.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, nếu chúng ta nỗ lực, nhiệt độ có thể giữ ổn định ở mốc 2 độ C. Nếu không, chúng ta sẽ phải sống (hoặc không thể sống) trong một phiên bản Trái Đất cực kỳ hung bạo.

Theo Futurism,
Phan Anh