Vào năm 1961, dòng sông Rio Ica sạt lở bờ và gây lũ lụt tại một số vùng của sa mạc Ocucaje tại Peru; có lẽ nguyên nhân là từ một trận động đất. Khi nước rút đi, các nông dân địa phương đã tiến hành đánh giá thiệt hại.

Những cánh đồng cằn cỗi của họ đã hoàn toàn bị huỷ hoại. Lớp đất mỏng và màu mỡ trên bề mặt đã bị trận lũ cuốn sạch. Khi đi xem xét, những người nông dân đã phát hiện ra một điều rất đáng kinh ngạc: sức mạnh của tự nhiên đã làm lộ ra những viên đá nhiều kích cỡ. Chúng đã bị che lấp dưới mặt đất khô cằn trong một thời gian dài. Con sông có thể đã đánh bóng những viên đá này qua rất nhiều niên đại.

Dòng Rio Ica trong mùa khô cạn, 1999.
Dòng Rio Ica trong mùa khô cạn, 1999.

Những viên đá này rất trơn láng, tròn trịa, thuộc loại đá Andesite xám, một loại đá mắc-ma phun trào có thành phần trung tính và rất cứng. Tính chất này của Andesite khiến chúng được ưa thích dùng trong việc lát quảng trường. Bởi khả năng chịu đựng thời tiết tuyệt vời của Andesite, chúng là vật liệu lý tưởng để làm đường.

Vậy mà những viên đá Ica với những hình khắc hoạ đặc biệt lại được làm trên loại đá Andesite này. Bởi vì quá cứng, loại đá này thực sự không phải là lựa chọn tốt cho các nghệ sĩ để tạo ra hàng nghìn hàng vạn tác phẩm nghệ thuật chạm khắc đá như vậy. Những người nông dân nghèo đói đã vô cùng vui sướng khi phát hiện ra chúng và bán các vật phẩm nghệ thuật này cho các du khách. Những người kinh doanh địa phương gọi các viên đá chạm khắc đó là “Nghệ thuật Inca.”

>> Di chỉ Saksaywaman, Peru: Người cổ đại biết cách làm mềm đá?

Các viên đá Ica
Các viên đá Ica

Nạn cướp phá cổ vật

Những thương gia kinh doanh cổ vật chắc chắn biết rõ một điều: nếu các viên đá Ica là những khám phá khảo cổ thực sự, thì họ đã phạm luật đến hai lần. Cướp phá di tích khảo cổ và bán các hiện vật tiền sử bị nghiêm cấm đối với người không phải chuyên gia khảo cổ. Đương nhiên họ cũng không được đưa các hiện vật này ra khỏi đất nước. Những hiện vật tiền sử của Peru là thuộc về Peru và không được phép bán ra nước ngoài.

Vì thế người dân địa phương thường đi vào ban đêm để tìm kiếm các viên đá điêu khắc. Họ không còn thoả mãn bằng việc nhặt các viên đá trên mặt đất. Họ đã bắt đầu đào lên một cách hệ thống. Đây là chuyện không phải mới đối với họ. Qua hàng thế kỷ làm canh tác mà chỉ tạo được chút hoa màu nghèo nàn, thì nghề đào mộ lại mang đến rất nhiều lợi nhuận. Vì thế, cả một đội quân đã ra khỏi nhà, nhất là vào những đêm trời trong và đầy sao.

Cũng luôn có những khám phá như: vải vóc từ thời tiền Inca được đất sa mạc khô cằn bảo quản cực kỳ tốt. Các tên trộm mộ tìm kiếm và cướp phá một cách hệ thống các ngôi mộ cổ của cả thời tiền Inca. Họ đeo bùa trong lúc thực hiện để bảo vệ khỏi sự nổi giận của các linh hồn người đã khuất. Trong quá trình hoạt động về đêm, những kẻ trộm mộ ít ngại cảnh sát mà chỉ lo sợ những người đã chết trong các ngôi mộ mà họ đang cướp phá.

Những di vật chạm khắc tiền sử

Năm 1966, giáo sư Cabrera nhận được một trong những hòn đá Inca vào ngày sinh nhật của mình. Trong năm đó, một kiến trúc sư tên là Santiago Agurto Calvo bắt đầu tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ tại Ica. Ông liên tục đào được các hòn đá có chạm khắc. Calvo đã bị thuyết phục rằng các hòn đá này có nguồn gốc từ thời kỳ tiền Inca. Ông đã cố gắng gây sự chú ý từ giới khảo cổ học chính thống về những khám phá bí ẩn này, nhưng không có kết quả.

Giáo sư Cabrera giải thích về bộ sưu tập của mình. (ảnh: Walter-Jörg Langbein)
Giáo sư Cabrera giải thích về bộ sưu tập của mình. (ảnh: Walter-Jörg Langbein)

Giáo sư Cabrera liên tục nhận được các hòn đá có chạm khắc, đặc biệt là từ những người biết ơn vì ông đã giúp đỡ họ mà không yêu cầu trả công. Không lâu sau, công dân nổi tiếng của thành phố Ica này phát triển một sở thích thuần tuý là sưu tập các hòn đá này. Qua nhiều năm, vài trăm bức hoạ khắc trên đá đã phát triển lên đến vài nghìn. Giáo sư Javier Cabrera Darquea, khi đó giảng dạy tại Đại học quốc gia San Luis Gonzaga sớm nhận ra rằng, ngoại trừ những thiết kế hình học đơn giản, những hình ảnh này còn miêu tả thực vật, động vật từ thời tiền sử. Trong đó có một số loài bò sát lớn đã được chạm khắc vào các viên đá.

Một số hòn đá minh hoạ các sinh vật giống như thằn lằn (ảnh: Walter Langbein)
Một số hòn đá minh hoạ các sinh vật giống như thằn lằn (ảnh: Walter Langbein)

Làm sao những người thời kỳ tiền Inca lại có thể biết được khủng long có hình dạng ra sao? Và khó tin hơn nữa: các nghệ sĩ tạo ra vô số các hình ảnh mô tả con người và khủng long sinh hoạt cùng nhau. Một số hòn đá còn miêu tả các quy trình y học phức tạp, thậm chí cấy ghép tim và sinh mổ!

Một thư viện trên đá

Tôi đã nhiều lần đến thăm bảo tàng ở Ica. Giáo sư Cabrera luôn hỗ trợ hết sức mình. Tôi đi đến kết luận rằng thái độ phủ nhận của giới khoa học chính thống khiến ông tức giận và buồn chán. Ông thường xuyên nói về sự tức giận đối với sự từ chối của các nhà khoa học chủ lưu đối với thư viện khắc hoạ trên đá này. “Ai cũng có thể đọc những hòn đá này như một quyển sách!” vị giám đốc bảo tàng nhấn mạnh.

Một bộ sưu tập các hòn đá Ica xung quanh bức ảnh GS. Javier Cabrera. (CC BY-SA 3.0)
Một bộ sưu tập các hòn đá Ica xung quanh bức ảnh GS. Javier Cabrera. (CC BY-SA 3.0)

Hầu hết các nhà khoa học đều có quan điểm hoàn toàn khác: Con người và khủng long cùng thời ư? Một nền văn minh phát triển cao đã có y học hiện đại với những quy trình giải phẫu phức tạp? Con người không chỉ là những bác sĩ giỏi, mà còn cống hiến cho khoa học từ hàng nghìn năm về trước? Trên một số lượng lớn các hòn đá ở trong bảo tàng, ai cũng có thể thấy một con người đang dùng kính viễn vọng quan sát thiên thể.

Hòn đá Ica này mô tả một người đội mũ, quan sát sao chổi qua kính thiên văn (Ảnh:Nancy Sathre-Vogel)
Hòn đá Ica này mô tả một người đội mũ, quan sát sao chổi qua kính thiên văn (Ảnh:Nancy Sathre-Vogel)

Câu trả lời vô cùng rõ ràng đối với giới khoa học chính thống: không thể có một nền văn minh phát triển cao đến thế hàng nghìn năm trước… bởi vì nếu công nhận các khám phá này là chân chính thì sẽ khiến toàn bộ khái niệm về lịch sử loài người hiện nay là sai lầm. Đối với các nhà khoa học chính thống, những hình ảnh khắc trên đá này chỉ có thể là giả mạo… bởi vì chắc chắn tuyệt đối chúng chỉ có thể là giả mạo!

>> Các hóa thạch của thuyết tiến hóa: Sự thật hay bị làm giả?

Vào năm 1998, giới khoa học chủ lưu vui mừng khi Spaniard Vincente Paris đã đưa ra được bằng chứng: các hòn đá là giả mạo. Chính xác thì Vincente Paris đã xem xét một vài viên đá chạm khắc và kết luận rằng những hình ảnh đó được tạo ra trong quá khứ gần đây, chứ không phải ở thời kỳ tiền sử xa xôi. Những bức ảnh phóng đại cho thấy “trên nhiều hòn đá Ica có dấu vết của sơn và các hoá chất tẩy rửa hiện đại” (theo Luc Burgin đề cập đến trong tác phẩm tuyệt vời của ông Bách khoa toàn thư về các khảo cổ bị ngăn cấm – Những di vật bí ẩn từ A đến Z)

Làm sao chúng ta có thể đánh giá được các phát hiện của Vincente Paris? Phải chăng toàn bộ các hòn đá Ica đều là giả mạo? Đây chính là điều mà những người tự phong là vệ sĩ của khoa học chính thống vin vào trong hàng thập kỷ qua.

Giới phê bình tấn công

Năm 1977, Erich von Daniken phát hành tác phẩm lớn ‘According to the Evidence’ (Theo chân các bằng chứng). Trong đó, ông cũng viết về các hòn đá chạm khắc của Ica:

“Gia đình Cabrera sở hữu một căn nhà lớn ở Plaza de Armas, và đây là điều cần thiết vì nhà Cabrera rất đông con cháu. Tuy nhiên, ba phòng lớn được lấp đầy từ sàn đến trần bằng các kệ chứa vô số các hòn đá. Kích thước của chúng từ quả bóng đá cho đến chiếc bong bóng lớn. Mỗi viên đá đều được khắc hoạ bằng các mô-típ khác nhau […] Cái thì vẽ các người thổ dân da đỏ đang cưỡi chim. Những cái khác lại khắc họa hình ảnh người sử dụng các dụng cụ kỳ lạ. Trên một hòn đá, một người da đỏ dùng kính lúp để xem các thứ rõ hơn. Một hòn đá có hình dạng như quả cầu thế giới thu nhỏ: các đất nước, lục địa và đại dương kỳ lạ và được khắc rất tỉ mỉ. Giáo sư Cabrera là một bác sĩ giải phẫu lành nghề, ông đã chỉ ra một số hòn đá đang thể hiện quá trình cấy ghép tim. Trái tim của bệnh nhân đặt trên một loại bàn giải phẫu được mổ lấy ra khỏi lồng ngực của anh ta; các ống dẫn truyền các chất lỏng vào người anh ta. Một trái tim mới được đưa vào. Hai bác sĩ phẫu thuật khâu lại các động mạch. Lồng ngực đang mở được đóng lại.”

Hòn đá Ica thể hiện một quá trình điều trị y tế (ảnh: Walter Langbein)
Hòn đá Ica thể hiện một quá trình điều trị y tế (ảnh: Walter Langbein)

Năm 1977, các “nhà phê bình” tấn công Erich Von Daniken dữ dội, các “nhà báo” viết về những cái mà họ cho rằng Von Daniken đã che giấu. Loạt phim tài liệu truyền hình Pathways to the Gods (con đường đến với các vị Thần), được quay cùng năm đó, nói rằng ‘các chuyên gia nghiên cứu’ đã theo dõi và phát hiện Basilio Uschuya là một kẻ làm đồ giả. Họ nói với một giọng điệu vô cùng bất bình rằng Uschuya đã khắc lên các hòn đá bằng một cái khoan của nha sĩ rồi đem chúng đi làm cũ bằng cách nấu trong phân bò. Phải chăng điều này đã ‘vạch trần’ được Erich von Daniken?

Năm 1996, BBC lại một lần nữa nhắc lại về sự giả mạo này. Năm 1997 ‘Cable 1’ đã làm một phim tài liệu. Một lần nữa, Basilio Uschuya được đưa ra với tư cách là một kẻ làm giả các hòn đá Ica.

Liệu điều đó có thể đóng lại hồ sơ về các hòn đá Ica chưa? Liệu nó có thể thực sự bị đóng lại? Thực ra không đơn giản như vậy. Không khó để “tìm ra” kẻ làm giả Basilio Uschuya. Không cần phải có Sherlock Holmes mới làm được điều đó. Các “chuyên gia nghiên cứu” quên không nhắc đến rằng chính Erich von Daniken đã đề cập đến Basilio Uschuya trong quyển sách According to the Evidence của ông. Muốn tìm “kẻ làm đồ giả” người Peru, các nhà báo chỉ cần đọc quyển sách của Von Daniken.

Sự thật vẫn còn đó: Erich von Daniken đã khiến công chúng biết đến những hòn đá chạm khắc Ica. Và ông cũng đã công khai viết về “người làm giả”. Tuy nhiên, Daniken cũng nhấn mạnh rằng Uschuya có thể đã tạo ra hàng nghìn hòn đá giả. Nhưng Basilio Uschuya không thể làm ra số lượng khổng lồ các hòn đá với vô số các chạm khắc trên đó.

Một hòn đá Ica thể hiện các vì sao và hành tinh. (ảnh: Walter Langbein)
Một hòn đá Ica thể hiện các vì sao và hành tinh. (ảnh: Walter Langbein)

Thế thì tại sao Basilio Uschuya đã bị đổ cho là người làm ra “toàn bộ các viên đá Ica”? Có phải chính ông ta nói ra điều đó? Một sự thật nữa là Basilio Uschuya đã bán các “hòn đá chạm khắc Ica” cho khách du lịch nước ngoài. Cảnh sát Peru đã buộc tội ông ta đã bán các hiện vật khảo cổ phi pháp. Nếu bị kết án vi phạm luật bảo vệ các di tích khảo cổ của Peru, Basilio Uschuya có thể bị phạt rất nặng. Do đó, ông ta tuyên bố đã làm giả các viên đá cùng với vợ mình. Việc bán các hiện vật “không phải nguyên gốc” thì không bị cấm. Basilio Uschuya đã không bị truy tố và trừng phạt.

Basilio Uschuya nói: “Mặc dù tôi nói với cảnh sát rằng tôi đã làm giả chúng, tôi chỉ làm vậy để bảo vệ chính mình; nếu không thì họ đã bắt tôi vì tội trộm cắp các di tích khảo cổ.”

Xem tiếp phần 2: Số phận khi ‘dám’ thách thức thuyết tiến hóa

Tác giả Walter-Jorg Langbein, ancient-origins.net
Thành Tâm biên dịch

Xem thêm: