Hôm 23/9 vừa qua, một nhóm các nhà khoa học và chuyên gia về khí hậu và những lĩnh vực có liên quan đã gửi một bức thư tới Liên Hiệp Quốc, trong đó nhấn mạnh rằng: “không có tình trạng khẩn cấp về khí hậu.”

Các mô hình hoàn lưu chung khí quyển (General Circulation Model) làm cơ sở cho những chính sách quốc tế là không phù hợp,” trích nội dung bức thư gửi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres. “Do đó, thật độc ác cũng như thiếu thận trọng khi ủng hộ việc phung phí tới hàng nghìn tỷ USD vào những mô hình còn nhiều thiếu sót như vậy.”

Bức thư trên được ký tên bởi các nhà khoa học và chuyên gia nổi tiếng đến từ những lĩnh vực liên quan, trong đó có nhà vật lý khí quyển Richard Lindzen, giáo sư địa chất ứng dụng Alberto Prestininzi. Bức thư được khởi xướng bởi giáo sư Guus Berkhout, một kỹ sư người Hà Lan, từng là giáo sư âm nhạc, địa vật lý và quản lý đổi mới sáng tạo tại Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan).

Thư gửi Liên Hợp Quốc: Không có tình trạng khẩn cấp về khí hậu
Giáo sư Guus Berkhout (Ảnh qua thegwpf.com)

Giáo sư Berkhout dự định sẽ công bố đầy đủ danh sách gồm 500 chữ ký tại Oslo (Na Uy) vào ngày 18/10.

Bức thư cho biết, các chính sách về khí hậu hiện nay đã làm suy yếu hệ thống kinh tế và gây khó khăn cho những quốc gia muốn tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ.

Chúng tôi đề xuất việc tuân thủ theo một chính sách đúng đắn về khí hậu dựa trên cơ sở khoa học, khả thi về mặt kinh tế, qua đó giảm thiểu những tổn thất không đáng có,” trích nội dung bức thư.

Bức thư được gửi đi trùng với thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại New York, trong đó có nêu một số tình trạng đáng báo động. Nhà hoạt động khí hậu tuổi teen người Thụy Điển Greta Thunberg đã phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh rằng hành tinh này đang bắt đầu “tuyệt chủng hàng loạt.”

Trong một cuộc họp báo kèm theo bức thư, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng mức tăng nhiệt độ được dự báo từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) cao gấp 4 lần so với thực tế.

Trước đó, IPCC cho biết các mô hình khí hậu của tổ chức này không thể dùng để dự đoán một cách chính xác những biến đổi của khí hậu diễn ra trong dài hạn.

Tóm lại, một chiến lược phải nêu ra được những điều khả thi. Trong việc nghiên cứu và mô hình hóa khí hậu, chúng ta nên hiểu rằng mình đang phải đối phó với một hệ thống rất phức tạp và hỗn loạn, và do đó, việc dự đoán các tình trạng khí hậu trong dài hạn là điều không thể,” theo nội dung báo cáo của IPCC trong năm 2018.

>> Biến đổi khí hậu: Đừng chỉ nghe người ta nói, hãy xem họ làm gì

Theo bức thư gửi Liên Hiệp Quốc, khí hậu Trái đất luôn biến đổi. Vậy nên, sự gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu diễn ra gần đây cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì Thời kỳ tiểu băng hà (Little Ice Age) đã kết thúc vào năm 1850. Bức thư cũng cho biết việc nóng lên toàn cầu cũng không gây ra các thảm họa tự nhiên.

Bức thư do Berkhout khởi xướng được viết sau đơn thỉnh cầu của hơn 90 nhà khoa học Ý công bố vào tháng 6 vừa qua, trong đó nói rằng việc con người gây ra sự nóng lên toàn cầu chỉ là một giả thuyết dựa trên các mô hình thiếu chính xác về biến đổi khí hậu.

Về mặt khoa học, không hợp lý khi quy trách nhiệm cho con người đối với sự nóng lên đã diễn ra từ thế kỷ trước cho đến nay,” đơn thỉnh cầu cho biết.

Do đó, các dự báo khẩn cấp là không đáng tin, bởi chúng dựa trên những mô hình có kết quả trái ngược với dữ liệu thử nghiệm. Tất cả các bằng chứng đều cho thấy những mô hình này đánh giá quá cao sự tác động của [con người] và đánh giá thấp sự biến đổi khí hậu tự nhiên, đặc biệt do mặt trời, mặt trăng và đại dương gây ra.”

Theo ET,
Phan Anh