Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA mới phát đi thông báo: Tàu Thăm dò Mặt Trời mang tên Parker của họ đã quay trở lại an toàn sau khi bay qua Mặt Trời với khoảng cách gần nhất trong lịch sử nhân loại.

Tàu thăm dò Parker
(ảnh: NASA/Johns Hopkins APL/Steve Gribben)

Vào hồi 4h46’ giờ miền Đông Hoa Kỳ ngày 7/11/2018, nhóm điều hành nhiệm vụ tại Phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng trường Đại học Johns Hopkins xác nhận họ đã nhận được tín hiệu từ tàu thăm dò không người lái Parker sau khi nó tới gần Mặt Trời vời khoảng cách 24 triệu km vào ngày 5/11/2018.

Tàu Thăm dò Mặt Trời Parker được đặt theo tên của nhà vật lý thiên văn Mặt Trời người Mỹ Eugene Newman Parker. Mới chỉ được phóng lên quỹ đạo vài tháng trước, nhưng Tàu Parker đã liên tiếp phá nhiều kỷ lục. Ngày 29/10, nó đến Mặt Trời gần hơn kỷ lục gia trước đây là tàu vũ trụ Helios 2 của liên minh Đức – Mỹ thực hiện năm 1976. Và kể từ đó, con tàu tiếp tục tiến sát tới Mặt Trời và chính thức lập thành tích cá nhân tốt nhất vào ngày 5/11 khi tới điểm perihelion, là điểm gần nhất trên quỹ đạo hình elip quay quanh Mặt Trời của tàu vũ trụ này.

Tàu thăm dò Parker
(ảnh: NASA)

Tuy nhiên, đây không phải là điểm kết thúc của nhiệm vụ. Tàu Thăm dò Mặt Trời Parket hiện đang bay theo một quỹ đạo lệch tâm ngày càng hẹp hơn sau mỗi vòng quay. Tổng cộng nó sẽ tiếp cận Mặt Trời 24 lần và cuối cùng sẽ lướt qua rìa bên ngoài của khí quyển Mặt Trời, hay còn gọi là Vành Nhật Hoa.

Trong lần tiếp cận hôm 5/11 mới đây, Parker đã phải đối mặt với lượng nhiệt và bức xạ mà chưa tàu vũ trụ nào từng phải trải qua. Điều đáng khen là các thiết bị điều khiển nhạy cảm và các hệ thống trên tàu vẫn được bảo vệ dưới lớp vỏ cực kỳ hiện đại của nó.

Theo NASA, khi tới điểm gần nhất trên quỹ đạo elip với Mặt Trời, tín hiệu của Parker đã bị năng lượng quá lớn của ngôi sao này nuốt chửng, nhưng khi nó quay trở lại, họ đã nhận được tín hiệu báo về là “A” – trạng thái tốt nhất trong 4 trạng thái của thiết bị. Điều đó có nghĩa là tất cả các thiết bị điều khiển đều đang hoạt động và thu thập các dữ liệu nghiên cứu, và rằng tất cả sự cố đều đã được các hệ thống trên tàu tự động xử lý.

NASA cho biết trong lần “chào hỏi” Mặt Trời này, Parker di chuyển với vận tốc 343.100 km/h và nhiệt độ của tấm chắn nhiệt ở bề mặt hướng về Thái Dương là 438 độ C. Khi Parker thực hiện các lần tiếp cận tiếp theo, nhiệt độ này có thể sẽ tăng lên tới 1.371 độ C.

Tàu Thăm dò Mặt Trời Parker được thiết kế để có thể tự chăm sóc lấy bản thân và những món đồ quý giá mà nó mang theo trong suốt quá trình tiếp cận, mà không cần sự điều khiển từ Trái đất – và giờ chúng tôi biết là nó đã thành công,” Thomas Zurbuchen, trợ lý hành chính của Ban Giám đốc Nhiệm vụ Khoa học của NASA cho biết.

Tàu thăm dò Parker
(ảnh: NASA)

Parker là thành quả của sáu thập kỷ tiến bộ khoa học. Và giờ, chúng ta đã hiện thực hóa được chuyến viếng thăm gần gũi đầu tiên của nhân loại tới Thái Dương, điều này không chỉ có quan hệ mật thiết với những gì trên Địa Cầu, mà còn vì sự hiểu biết sâu sắc hơn về vũ trụ của chúng ta.”

Tàu Thăm dò Mặt Trời Parker đã đến điểm cuối của giai đoạn tiếp cận Mặt Trời đầu tiên vào ngày 11/11. Vài tuần sau, khi đã bay ra xa khỏi Mặt Trời, nó sẽ bắt đầu truyền dữ liệu thu thập được về Trái đất. Parker sẽ bay ngang qua Sao Kim vào ngày 12/12/2018 và thực hiện lần tiếp cận tiếp theo với Mặt Trời vào ngày 4/4/2019.

Độc giả có thể tìm hiểu thêm về quá trình NASA phát triển Tàu Thăm dò Mặt Trời Parker và những hy vọng của họ với lần ở video dưới đây:

Theo NASA
Quốc Hùng tổng hợp