Hàng loạt các khẩu trang và găng tay y tế được sử dụng trong đại dịch Covid-19 đã bị thải ra nhiều bãi biển trên khắp thế giới.

gang tay khau trang image
(Ảnh: Opération Mer Propre)

Các nhà bảo tồn đã cảnh báo rằng đại dịch virus corona có thể làm gia tăng tình trạng ô nhiễm đại dương, vốn đang tràn ngập rác thải nhựa đe dọa sinh vật biển. Họ phát hiện thấy nhiều khẩu trang và găng tay y tế dùng một lần trôi nổi như sứa, xuất hiện rải rác trên bờ và dưới đáy biển tại nhiều nơi trên thế giới.

Opération Mer Propre, một tổ chức phi lợi nhuận của Pháp chuyên điều phối các hoạt động như nhặt rác dọc theo vùng biển Côte d’Azur, đã bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo vào cuối tháng 5/2020.

Cụ thể, các thợ lặn đã tìm thấy những thứ mà ông Joffrey Peltier (đến từ tổ chức trên) mô tả là “chất thải Covid-19”: hàng chục găng tay, khẩu trang và chai nước khử trùng tay dưới biển Địa Trung Hải, cùng với những chiếc cốc dùng một lần và vỏ hộp bằng nhôm.

Số lượng khẩu trang và găng tay được tìm thấy không phải là lớn, ông Peltier cho biết. Nhưng ông lo lắng rằng điều này đã cho thấy một loại ô nhiễm mới, nhiều khả năng sẽ trở nên phổ biến hơn sau khi có hàng triệu người trên thế giới đã chuyển sang sử dụng các loại vật dụng bằng nhựa dùng một lần nhằm đối phó với virus corona. “Tình trạng ô nhiễm sẽ diễn ra nếu chúng ta không làm gì cả,” ông Peltier cho hay.

gang tay khau trang 2 image
Những rác thải y tế thu thập được trong một lần lặn (Ảnh: Opération Mer Propre)

Chỉ riêng ở Pháp, các nhà chức trách đã đặt mua 2 tỷ khẩu trang dùng một lần, ông Laurent Lombard thuộc tổ chức Opération Mer Propre cho biết. “Sớm thôi chúng ta sẽ có nguy cơ chứng kiến nhiều khẩu trang hơn sứa tại khu vực Địa Trung Hải,” ông chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội kèm theo video cho thấy các thợ lặn đã phát hiện nhiều khẩu trang bị mắc vào tảo và găng tay dính đầy đất ở đáy biển gần thành phố Antibes (Pháp).

>> Vi hạt nhựa có ở khắp nơi, phát hiện được trong cả nước mưa

Nhóm này hy vọng những hình ảnh trên sẽ khiến mọi người sử dụng loại khẩu trang có thể tái sử dụng, và rửa tay thường xuyên hơn thay vì đeo găng tay. “Với tất cả các giải pháp thay thế, nhựa không phải là cách thức giúp bảo vệ chúng ta khỏi Covid-19. Đó là thông điệp của chúng tôi,” ông Peltier cho biết.

Trong những năm trước khi xảy ra đại dịch, các nhà môi trường đã cảnh báo về mối đe dọa của rác thải nhựa đối với các đại dương và sinh vật biển. Theo ước tính năm 2018 của Liên Hợp Quốc, có tới khoảng 13 triệu tấn nhựa bị xả ra đại dương mỗi năm. Tại khu vực Địa Trung Hải, có chừng 570.000 tấn nhựa bị thải vào đại dương mỗi năm, con số mà WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) mô tả là tương đương với việc đổ 33.800 chai nhựa xuống biển mỗi phút.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang rất nghiêm trọng ở một số quốc gia, nên khó tránh khỏi thực trạng đáng báo động về ô nhiễm rác thải y tế trên toàn cầu.

Theo The Guardian,
Phan Anh