Các nhà thiên văn học mới thu được chớp sóng vô tuyến lặp lại lần thứ hai. Phát hiện mới này có thể soi sáng những bí ẩn về chớp sóng vô tuyến (Fast Radio Burst) và giúp giải đáp câu hỏi về nguồn gốc của chúng.

chớp sóng vô tuyến lặp lại lần thứ hai
Ảnh minh họa ngôi sao neutron – nguồn gốc khả thi của các chớp sóng vô tuyến (ảnh: L. Calçada/ESO)

Chớp sóng vô tuyến lặp lại

Chớp sóng vô tuyến (FRB) là những chớp sóng có tần số cực ngắn đến từ một nơi ngẫu nhiên nào đó trong vũ trụ, hiện tại các nhà khoa học cũng chỉ có thể biết được đến vậy.

Giới thiên văn học đã vật lộn với bí ẩn này nhiều năm nay, vì mặc dù liên tục thu được các chớp sóng, nhưng vẫn không thể chắc chắn điều gì đã tạo chúng.

“Chúng tôi ước tính có khoảng 1.000 chớp như thế này trên bầu trời mỗi ngày,” Shriharsh Tendulkar, đồng tác giả nghiên cứu đến từ trường Đại học McGill, Canada cho biết.

Trước khi công trình nghiên cứu này được công bố, giới khoa học chỉ biết duy nhất một chớp sóng vô tuyến lặp lại và đặt tên nó là FRB 121102. Chớp này do đài quan trắc Arecibo ở Puerto Rico thu được năm 2015.

Tất cả các FRB khác đều chớp một lần rồi biến mất. Nhưng hiện nay, nhờ đài quan trắc CHIME đặt tại Thung lũng British Comlumbia’s Okanagan của Canada, các nhà nghiên cứu đã thu được một FRB lặp lại lần thứ hai. Và điều bất ngờ là, nó có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với FRB lặp lại lần thứ nhất.

>> Oumuamua: Vật thể bí ẩn có thể là vệ tinh của người ngoài hành tinh

FRB lặp lại này là một trong 13 chớp sóng vố tuyến được phát hiện trong đợt này (còn lại là các chớp đơn).

“Đây là các chớp sóng cực nhanh và cực mạnh. Chúng tôi chưa từng nhìn thấy thứ gì như thế này bao giờ. Tín hiệu tương tự gần nhất có thể so sánh mà chúng tôi tìm thấy trong hệ Ngân hà của chúng ta là yếu hơn tới hàng nghìn tỷ lần,” Tendulkar nói về FRB lặp lại kể trên. Thêm vào đó, “nguồn phát thứ hai này cho thấy các đặc tính của chớp sóng là rất giống với FRB lặp lại lần đầu tiên, và chúng khác biệt so với toàn bộ các FRB đơn còn lại.”

Phần lớn các nhà khoa học cho rằng chúng có thể phát ra từ một hiện tượng vật lý thiên văn lớn cách hệ Ngân hà của chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng, ví dụ như một hố đen nhập lại làm một với các ngôi sao neutron siêu cô đặc chẳng hạn.

Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu khác, bao gồm Giáo sư Avi Loeb thuộc trung tâm Harvard-Smithsonia về vật lý thiên văn, đã đề xuất những giả thuyết táo bạo hơn, rằng chúng có thể là bằng chứng của các nền văn minh ngoài hành tinh cực kỳ tiên tiến.

Khám phá vũ trụ

FRB lặp lại mới này còn có một đặc tính bất thường khác. Trong khi hầu hết các FRB thu được có tần số từ 1400 Mhz tới 2000 Mhz, những chớp sóng này chỉ có tần số từ 400-800 Mhz, thấp hơn rất nhiều so với những gì thu được trước đây.

“Hiện nay chúng ta đã biết FRB có thể dò được ở tần số 400Mhz, và có thể còn dò được ở tần số thấp hơn,” Tendulkar nói. 400 Mhz là giới hạn tần số thấp nhất mà CHIME có thể dò dược vào thời điểm này, vậy nên có thể nhiều FRB có tần số thấp hơn đã “lọt lưới”. CHIME là đài quan trắc có bốn bộ ăng-ten hình bán trụ tròn dài 100m, với khả năng quét và dò tìm các tín hiệu đến từ toàn bộ bầu trời bán cầu Bắc mỗi ngày.

“Chúng ta biết được thêm một manh mối rằng có thể có gì đó ở ngoài kia,” Ingrid Stairs, nhà vật lý học thiên văn thuộc trường Đại học British Columbia (UBC) cho biết. “Và với nhiều tín hiệu lặp lại và nhiều nguồn để nghiên cứu hơn, chúng ta có lẽ có thể hiểu được những ẩn đố này của vũ trụ – chúng tới từ đâu và điều gì đã tạo ra chúng.”

Nghiên cứu này hiện đang được đăng tải trên tạp chí Nature.

Theo BBC, Astronomy, The Guardian
Quốc Hùng tổng hợp