Ngày hôm qua 24/8, tạp chí Nature đã đăng phát hiện trọng đại trên trang bìa: một hành tinh nham thạch nhỏ quay xung quanh Proxima Centauri – ngôi sao gần hệ Mặt Trời nhất. Hành tinh này nằm ở vị trí có thể tồn tại sự sống, trên bề mặt có thể tồn tại nước dạng lỏng.

Theo CNN cùng nhiều hãng truyền thông khác, hành tinh mới phát hiện này lớn hơn địa cầu khoảng 1,3 lần, nhiệt độ của nó có thể cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng, thậm chí còn có thể có đại dương, đủ điều kiện cho sự sống tồn tại.

Hành tinh quay quanh hệ mặt trời “hàng xóm” của chúng ta

Hành tinh mới phát hiện được đặt tên là Proxima b, quay quanh Proxima Centauri – ngôi sao lùn đỏ cách thái dương hệ 4,2 năm ánh sáng, một trong những ngôi sao khối lượng thấp được nghiên cứu chi tiết nhất.

Từ trung tuần tháng 8, truyền thông đã bắt đầu đưa tin về các nhà khoa học khám phá ra một hành tinh ở gần Mặt Trời, nhưng vẫn chưa có công bố chính thức từ cơ sở nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia đã phân tích các số liệu đo lường từ kính viễn vọng ở Chile từ năm 2000. Cuối cùng, họ đã phát hiện một hành tinh có tính chất khá tương đồng với Trái Đất quay quanh ngôi sao hàng xóm của Mặt Trời. Chu kì quay là 11,2 ngày, khoảng cách giữa Centauri b và mặt trời của nó là 7,5 triệu km, tương đương 5% khoảng cách Trái Đất – Mặt Trời.

Theo các nhân viên nghiên cứu, nếu hành tinh này có bầu khí quyển với các khí nhà kính lưu giữ nhiệt độ, trên bề mặt có thể dao động từ 30-40 độ C, còn nếu không có bầu khí quyển, nhiệt độ bề mặt sẽ khoảng -30 đến -40 độ C.

Mô hình nhiệt độ giả định cho hành tinh này:

Tác giả báo cáo Ansgar Reiners cho biết: “Đây là một tin tốt lành, hành tinh Centauri b có khả năng tiếp cận được, nó không chỉ là hàng xóm của chúng ta mà còn làm cho các nhà thiên văn học tiến thêm một bước tới gần hơn giấc mơ của mình.”

Bà Victoria Meadows ở đại học Washington cho biết: “Đây là một phát hiện chấn động. Đối với hệ mặt trời, đây là một hành tinh ở khoảng cách gần nhất, dễ tiếp cận nhất, lại nằm ở khu vực có khả năng duy trì sự sống.”

Trước mắt, các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi xem có thể quan sát Centauri b khi nó có đi ngang qua ngôi sao của nó hay không. Kỹ thuật quan sát “transit” này sẽ giúp xác nhân không chỉ bầu khí quyển mà còn một số tính chất hóa học.

Cuộc hành trình đi tìm Trái Đất thứ 2

Ngôi sao Proxima Centauri dưới kính viễn vọng Hubble (ảnh: NASA/ESA)
Ngôi sao Proxima Centauri dưới kính viễn vọng Hubble (ảnh: NASA/ESA)

Proxima Centauri nằm trong chòm sao Nhân Mã, cạnh 2 ngôi sao là Alpha Centauri A & B, do nhà thiên văn học Robert Innes tại Nam Phi phát hiện năm 1915.

NASA trước đây cũng từng tuyên bố phát hiện một số hành tinh mới, nhiệt độ không quá cao nhưng độ ẩm lại quá thấp, không thể giữ nước lỏng trên bề mặt, hoặc những hành tinh giống như sao Mộc hoặc sao Hải Vương do thể khí cấu thành, chứ không giống như Trái Đất hay sao Hỏa do nham thạch cấu thành.

Gần đây nhất là phát hiện ngoại hành tinh Kepler 452b của NASA, lớn hơn Trái Đất khoảng 60%, có thể có núi lửa đang hoạt động, đại dương và ánh sáng mặt trời tương đương, trọng lực gấp đôi và khoảng cách 1400 năm ánh sáng. Nhân loại trong tương lai gần khó có thể du hành tới nơi xa xôi này.

Ngay cả đối với Proxima Centauri cách 4,2 năm ánh sáng, cũng là khoảng cách quá xa đối với công nghệ hiện tại. Tuy nhiên, khả năng phóng tàu thăm dò tới đây là khả thi.

Đầu năm nay, tỉ phú Yuri Milner cho biết ông đang đầu tư 100 triệu USD nghiên cứu tàu vũ trụ mini có thể đẩy bằng laser để du hành xuyên qua dải Ngân Hà. Tốc độ của nó có thể đạt 20% vận tốc ánh sáng, như vậy sẽ đến được Centauri b trong 1 vài thập kỉ.

Phong Trần tổng hợp

Xem thêm: