Một cục than, mà thực chất là một cuộn giấy 2.000 năm tuổi bị đốt cháy, đã được lưu giữ bởi một nhà khảo cổ người Israel trong nhiều thập kỉ, cho đến khi nó được tiết lộ danh tính nhờ công nghệ chụp quét mới.

Ảnh chụp quét ảo toàn phần cuộn sách tại En-Gedi. (Ảnh: Seales et al.)
Ảnh chụp quét ảo toàn phần cuộn sách tại En-Gedi. (Ảnh: Seales et al.)

Theo các học giả, các đoạn trong Sách Lêvi (quyển thứ 3 trong kinh thánh) cung cấp bằng chứng vật lý đầu tiên về niềm tin bấy lâu: phiên bản kinh thánh Hebrew được sử dụng ngày nay có niên đại 2.000 năm tuổi.

Khám phá này, công bố trên tạp chí Science Advances bởi các nhà nghiên cứu từ Kentucky (Mỹ) và Jerusalem (Israel) ngày 21/9 vừa qua, có được nhờ sử dụng phương pháp “mở cuộn sách ảo (virtual unwrapping)”, tức phân tích kỹ thuật số 3D một bản chụp X-quang. Các nhà nghiên cứu cho biết đây là lần đầu tiên họ đọc nội dung trên một cuộn sách cổ đại mà không phải trực tiếp mở nó.

“Quý vị khó có thể tưởng tượng được sự hào hứng trong phòng thí nghiệm”, TS Pnina Shor từ Ban Đặc trách Cổ vật Israel, thành viên nhóm nghiên cứu, cho hay.

Công nghệ giúp “đọc” được cuộn giấy mỏng manh

Công nghệ kỹ thuật số được sử dụng trong khám phá này, với tài trợ từ Google và Tổ chức Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, dự kiến sẽ được đưa ra công chúng dưới dạng phần mềm mã nguồn mở vào cuối năm sau.

Các nhà nghiên cứu hy vọng sử dụng công nghệ này để hé lộ nội dung bên trong các văn bản cổ đại vốn quá mỏng manh để trực tiếp trải mở khác, ví như một số Cuộn sách Biển Chết và cuộn giấy cói được các-bon hoá trong vụ phun trào núi lửa Vesuvius vào năm 79 SCN. Họ tin rằng công nghệ này cũng có thể được ứng dụng vào giám định pháp y, tình báo, và bảo tồn cổ vật.

Video cách thức tiến hành “mở” cuộn giấy cổ đại

Cuộn kinh thư được khám nghiệm trong nghiên cứu này được các nhà khảo cổ phát hiện lần đầu vào năm 1970 tại Ein Gedi, một di chỉ cộng đồng người Do Thái cổ đại gần Biển Chết. Bên trong hòm đựng pháp điển tại giáo đường Do Thái giáo cổ đại, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các cuộn sách.

Giáo đường đã bị phá hủy trong một vụ hỏa hoạn thời cổ đại, khiến các cuộn giấy bị cháy đen. Khí hậu khô cằn trong khu vực giúp bảo tồn chúng, nhưng khi các nhà khảo cổ chạm tay vào, các cuộn kinh thư sẽ bắt đầu phân hủy. Vì vậy các cuộn giấy “than” này đã bị bỏ xó trong gần nửa thập kỷ, vì không ai biết nội dung bên trong.

Xem thêm: Google Earth: Nhiều công trình cổ đại nổi tiếng trên Trái Đất đều nằm trên một đường thẳng

Năm ngoái, Yosef Porath, nhà khảo cổ từng khai quật tại Ein Gedi vào năm 1970, đã bước chân vào phòng thí nghiệm bảo tồn các Cuộn sách Biển Chết ở Jerusalem với nhiều hộp đựng các cuộn sách bị thiêu cháy, để nhờ các nhà nghiên cứu chụp quét chúng. Phòng thí nghiệm này từng tạo ra nhiều bức ảnh có độ phân giải cao của các Cuộn sách Biển Chết, bản sao kinh thánh sớm nhất từng được phát hiện.

“Lúc đó tôi đã nhìn ông và nói, ‘anh đang đùa à’”, TS Shor, trưởng phòng thí nghiệm, nói.

Bà đồng ý, và tiến hành chụp CT một loạt cuộn sách bị thiêu cháy. Kết quả chụp sau đó được gửi tới GS William Brent Seales, một nhà nghiên cứu tại khoa khoa học máy tính thuộc Đại học Kentucky (Mỹ). Trong số các cuộn sách, chỉ duy nhất một cuộn có thể được giải mã.

Cuộn sách bị cháy thành than được khai quật ở En-Gedi. (Ảnh: S. Halevi)
Cuộn sách bị cháy thành than được khai quật ở En-Gedi. (Ảnh: S. Halevi)

Sử dụng công nghệ “mở cuộn sách ảo”, ông và nhóm nghiên cứu đã cẩn thận chụp quét hình dạng 3D các lớp trong cuộn sách, sử dụng một lưới bề mặt tam giác kỹ thuật số để tạo một bản vẽ giả lập các bộ phận nghi chứa chữ viết. Sau đó họ tìm kiếm các điểm ảnh có dấu hiệu của mực làm từ một loại chất liệu nặng như sắt hay chì. Tiếp đó họ dùng mô hình máy tính để “dát phẳng” cuộn giấy, nhằm đọc một vài cột chữ bên trong.

“Không chỉ các chữ viết hiện ra, mà chúng còn có thể đọc được”, GS Seales cho hay. “Vào thời điểm đó chúng tôi cực kỳ vui mừng”.

Khẳng định một giả thuyết lâu đời

Các nhà nghiên cứu cho biết đây là lần đầu tiên một cuộn sách kinh thư được phát hiện bên trong hòm đựng pháp điển của giáo đường Do Thái giáo cổ đại. Nó được cất giữ ở đó cho các tín đồ, thay vì trong các hang động sa mạc như trong trường hợp các Cuộn sách Biển Chết.

Khám phá mới có ý nghĩa quan trọng vì nó giúp các học giả hiểu thêm về sự phát triển của kinh thánh Hebrew, các nhà nghiên cứu nhận định.

Xem thêm: Lịch sử trước thời chúng ta đã biết: Các hóa thạch không nói dối

Thời xưa thịnh hành rất nhiều phiên bản kinh thánh Hebrew. Các Cuộn sách Biển Chết, có niên đại từ thế kỷ 3 TCN, là một phiên bản có sự khác biệt rất lớn với phiên bản ngày nay.

Giới học giả từng tin rằng dạng chuẩn của kinh thánh Hebrew đã xuất hiện lần đầu cách đây khoảng 2.000 năm, nhưng chưa bao giờ có bằng chứng thực tế, cho đến tận bây giờ, nghiên cứu cho hay. Trước đó mẫu kinh thánh hiện đại cổ nhất được biết đến có niên đại từ thế kỷ 8.

Nội dung trong cuộn kinh thánh hóa than tại Ein Gedi có “sự tương đồng 100%” với phiên bản Sách Lêvi đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ, theo học giả nghiên cứu Cuộn sách Biển Chết Gs Emanuel Tov từ Viện Đại học Hebrew của Jerusalem. Ông là một thành viên tham gia nghiên cứu.

“Điều đó thật đáng kinh ngạc đối với chúng tôi”, ông nói. “Trong [ít nhất] 2.000 năm, văn bản này không hề thay đổi”.

TS Noam Mizrahi, một chuyên gia về các Cuộn sách Biển Chết tại Đại học Tel Aviv, gọi đây là một “phát hiện cực kỳ, cực kỳ tốt”. Ông nói công nghệ chụp quét có tiềm năng to lớn để hé lộ thêm nội dung bên trong các Cuộn sách Biển Chết.

“Điều khiến khám phá này trở nên thú vị không chỉ là điều đã được tìm thấy, mà còn là những điều khác hứa hẹn sẽ được phát hiện trong tương lai”, TS Mizrahi nhận định.

Việt Anh (theo Associated Press)