Đến nay, giới khảo cổ đã phát hiện được nhiều bộ xương người từ thời cổ đại có đặc điểm hoàn toàn không khớp với nhận thức hiện tại về lịch sử tiến hóa loài người. Các bộ xương này có nguồn gốc vượt xa thời điểm người ta cho rằng con người từng tồn tại.

bo xuong nguoi ky la
Ảnh minh họa (nguồn: pxhere.com)

Theo báo cáo trên tạp chí “The Geologist” của Mỹ hồi tháng 12 năm 1862: “Các khúc xương của một người đàn ông đã được tìm thấy gần đây trên một chiếc giường bằng đá được bao phủ bởi một lớp than, nằm ở độ sâu 27,4m dưới mặt đất tại hạt Macoupin, Illinois, Mỹ. Khi được tìm thấy, các khúc xương được bao phủ bởi một lớp vật chất bóng và cứng, đen như than, nhưng khi bị cạo đi, phần xương trắng tự nhiên lại lộ ra.”

Ngoài ra, những cục than được tìm thấy nơi đây có niên đại từ 320 đến 286 triệu năm. Tuy phát hiện này chỉ còn một ít thông tin lưu lại, nhưng đây vẫn là trường hợp đáng để liệt kê tại đây.

Quai hàm Foxhall

Một mẫu xương quai hàm được phát hiện tại Foxhall, Anh, năm 1855, đào ra từ mỏ đá với độ sâu 4,88mm, có niên đại ít nhất là 2,5 triệu năm. Bác sĩ người Mỹ Robert H. Collyer đã mô tả quai hàm Foxhall là “di tích lâu đời nhất cho sự tồn tại của con người”.

Vấn đề duy nhất ở đây chính là vẻ ngoài hiện đại của nó. Theo nhà cổ sinh vật học Henry Fairfield Osborn, lẽ ra ở đây phải là một mẫu xương hàm giống như của người vượn thì mới phù hợp với niên đại. Nhiều người còn nghi ngờ tính xác thực của mẫu vật trên “có lẽ bởi hình dáng của nó không phải dạng cổ xưa.”

The Foxhall jaw
Hàm Foxhall có cấu trúc giải phẫu học trông rất hiện đại nhưng được phát hiện ở các tầng địa chất có niên đại hơn 2,5 triệu năm. (Ảnh tác giả cung cấp)

Đầu sọ Buenos Aires

Một hộp sọ người trông rất hiện đại được tìm thấy ở Buenos Aires, Argentina, từ kỷ nguyên tiền Pliocene. Điều này minh chứng cho sự hiện diện của con người hiện đại ở Nam Mỹ từ 1 đến 1,5 triệu năm trước. Lại một lần nữa, sự xuất hiện của hộp sọ hiện đại này không phù hợp với nhận thức của khoa học đương đại về nguồn gốc loài người. Vì vậy, mẫu vật này đã bị phủ nhận chỉ vì lý do này.

Ở đây chúng ta thấy một ví dụ rõ ràng về định kiến trong giới khoa học. Việc xác định tuổi mẫu vật được căn cứ theo hình thái học (morphology). Hộp sọ được tìm thấy không hề phù hợp theo cách sắp xếp này nên nó bị phủ nhận hoàn toàn, bất chấp tất cả các dữ liệu khác và bất kể chúng đáng tin cậy như thế nào. Cách suy nghĩ định kiến ở đây rất đơn giản: nếu hộp sọ trông hiện đại, thì nó phải là hiện đại. Ngoài ra, không có con người hiện đại nào có thể tồn tại từ thời xa xưa đến thế nên mẫu vật này phải bị loại trừ.

modern human skull 0
Hộp sọ người hiện đại này được tìm thấy ở Buenos Aires có thể là 1,5 triệu năm tuổi. (Ảnh tác giả cung cấp)

Theo tính toán địa chất hiện nay, hộp sọ được tìm thấy trong tầng địa chất tiền Ensenadean, có niên đại lên tới 1,5 triệu năm. Các dữ liệu khoa học này, cũng như rất nhiều trường hợp trên thế giới trước đây, qua nghiên cứu đã không đưa đến sự thống nhất trong giới khoa học. Thay vì theo đuổi vấn đề này cho đến kết luận cuối cùng, phát hiện này đã bị rơi vào quên lãng.

Bộ xương Clichy

Trong một mỏ đá trên Đại lộ Clichy, Paris, các bộ phận của hộp sọ người được phát hiện cùng với xương đùi, xương chày và một số xương chân bởi Eugene Bertrand vào năm 1868. Tầng địa chất nơi mà bộ xương Clichy được đào ra cho thấy hóa thạch này khoảng 330.000 năm tuổi.

Khi người Neanderthal được công nhận là tổ tiên của người hiện đại, các nhà nhân chủng học người Pháp đã buộc phải bỏ bộ xương Clichy khỏi dòng tiến hóa của loài người, bởi vì một chủng người hiện đại không thể xuất hiện trước người Neanderthal. Người Neanderthal được cho rằng đã tồn tại từ 30.000 đến 150.000 năm trước còn bộ xương Clichy có niên đại hơn 300.000 năm trước – đã bị chối bỏ mặc dù có nhiều bằng chứng củng cố tính xác thực của nó.

Human and Neanderthal skulls
So sánh các hộp sọ của người hiện đại và người Neanderthal từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland. (Ảnh: DrMikeBaxter/CC BY SA 2.0)

Bộ xương Ipswich

Năm 1911, một bộ xương người có vẻ ngoài hiện đại khác đã được phát hiện bên dưới một lớp đất sét và đá cuội gần thị trấn Ipswich, nước Anh bởi J. Reid Moir. Được tìm thấy ở độ sâu khoảng 1,37 mét giữa một lớp đất sét và cát sông băng, bộ xương có thể đã trải qua 400.000 năm tuổi.

Đương nhiên, bề ngoài hiện đại của bộ xương là vấn đề còn đang gây tranh cãi, nhưng nếu phát hiện này là một chủng giống như người Neanderthal, thì có thể sẽ không có nghi vấn nào về vị trí của nó ở trầm tích sông băng. Nhà giải phẫu học và nhân chủng học người Scotland, Arthur Keith giải thích: “Theo giả định rằng kiểu người hiện đại cũng phải có nguồn gốc hiện đại, thì những mẫu vật như vậy sẽ bị phủ nhận bởi nó có tuổi quá cổ xưa.”

Reid Moir
Nhà khảo cổ học người Anh J. Reid Moir. (Ảnh tác giả cung cấp)

Theo ghi nhận của Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh, các lớp trầm tích nơi mà bộ xương Ipswich được khai quật lên là một lớp đất sét đá băng còn nguyên vẹn có từ thời kết băng Anglian và Hoxnian, một thời kỳ kéo dài từ 330.000 đến 400.000 năm trước. Một số nhà chức trách thậm chí đã cho rằng sự khởi đầu của dòng sông băng Mindel (tương đương với thời kết băng Anglian) đã bắt đầu từ khoảng 600.000 năm trước, như vậy rất có khả năng bộ xương Ipswich cũng đã có từ thời đó.

>> Khủng long vẫn tồn tại 30.000 năm trước: câu hỏi lớn cho thuyết tiến hóa

Các mẫu xương Castenedolo

Tọa lạc ở sườn phía nam của dãy núi Alps, tại Castenedolo, cách sáu dặm (9,66 km) về phía Đông Nam của Brescia, có một ngọn đồi thấp tên là Colle de Vento, nơi hàng triệu năm trước vào thời kỳ Pliocene, nhiều lớp sinh vật nhuyễn thể và san hô đã bị chôn vùi dưới nước biển.

Năm 1860, giáo sư Giuseppe Ragazzoni đến Castenedolo để thu thập các mẫu vỏ hóa thạch trong tầng Pliocene, ông đã phát hiện một cái hố ở chân đồi Colle de Vento. Trong Báo cáo về phát hiện của mình, Ragazzoni đã viết:

“Khi đang đi tìm kiếm vỏ sò dọc theo bờ san hô, tôi đã phát hiện phần trên cùng của một hộp sọ, chứa đầy những mảnh san hô và đất sét màu xanh lam-lục thuộc tầng địa chất này. Thật đáng kinh ngạc, tôi tiếp tục cuộc tìm kiếm, và ngoài phần trên cùng của hộp sọ tôi còn tìm thấy các mẫu xương khác của phần ngực và tay chân, trông khá rõ ràng thuộc về một cá thể người.”

Modern human skull Castenedolo
Hộp sọ người hiện đại được tìm thấy tại Castenedolo, Ý. (Ảnh tác giả cung cấp)

Một lần nữa, nhiều tranh cãi đã nổ ra giữa cả các nhà địa chất và nhà khoa học, những người không chấp nhận rằng bộ xương này có từ thời Pliocene. Họ còn cho rằng bề ngoài hiện đại của những mẫu xương này cho thấy chúng được khai quật từ một ngôi mộ gần đây, và bằng cách nào đó, chúng đã bị lẫn lộn với vật chất của lớp Pliocene.

Lẽ ra, nếu còn nghi ngờ, họ cần giải thích vấn đề này bằng tư duy logic, chứ không phải cố tình bỏ qua những sự thật trước mắt hoặc thẳng thừng phủ nhận những chi tiết tự mình cho là không phù hợp.

Ragazzoni đã không hài lòng với các kết luận trên, chúng gần như là sự phủ nhận hoàn toàn đối với phát hiện dị thường của ông. Vì vậy ông ta đã để mắt đến địa điểm nơi mình đã tìm thấy các mẫu di tích khi mảnh đất được bán cho Carlo Germani vào năm 1875. Khi đó, Ragazzoni đã khuyên rằng đất sét giàu phốt phát có thể được bán cho nông dân dưới dạng phân bón.

Sau đó, vào năm 1879, Germani đã thông báo ngay cho giáo sư Ragazzoni khi tìm thấy nhiều mẫu xương khác trong hố. Các mảnh hàm, răng, xương sống, xương sườn, cánh tay, chân và bàn chân đều được đào ra khỏi tầng Pliocene mà các nhà địa chất hiện đại đã đo được là có khoảng 3-4 triệu năm tuổi.

“Tất cả chúng đều bị bao phủ hoàn toàn và bị xuyên qua bởi đất sét và những mảnh san hô cùng vỏ sò nhỏ, điều này đã xóa tan mọi nghi ngờ rằng đây là xương của những người bị chôn trong các ngôi mộ, ngược lại chúng đã bị sóng biển mang đến đây”, Ragazzoni nói.

Ngày 16 tháng 2 năm 1880, Germani thông báo cho Ragazzoni rằng một bộ xương hoàn chỉnh đã được phát hiện, bao bọc trong một khối đất sét màu xanh lam-lục. Khi được xét nghiệm về mặt giải phẫu, di thể được xác định là của một người phụ nữ có giải phẫu học giống người hiện đại.

“Nguyên bộ xương hoàn chỉnh được tìm thấy trong lớp đất sét màu xanh… Tầng đất sét màu xanh, dày hơn 1 mét, đã giữ được sự phân tầng đồng đều và không có dấu hiệu của sự xáo trộn,” Ragazzoni viết, “thêm vào đó, bộ xương rất có khả năng đã lắng đọng trong một loại đất bùn ở biển và không bị chôn vùi trong khoảng thời gian sau này.”

bo xuong trong bao tang
Ví dụ về một ngôi mộ và bộ xương tại bảo tàng hàng hải. (Ảnh: Marlene Oostryck/CC BY 3.0)

Sau khi đích thân kiểm tra các bộ xương Castenedolo tại Viện Kỹ thuật Brescia năm 1883, Giáo sư Giuseppe Sergi, nhà giải phẫu học của Đại học Rome, đã hoàn toàn bị thuyết phục rằng chúng đại diện cho hài cốt của những người sống trong thời kỳ Pliocene đệ tam.

Viết về thái độ không tán thành của cộng đồng khoa học, Sergi nhận xét, “Do định kiến về lý thuyết, người ta có xu hướng từ chối các khám phá chứng minh sự hiện diện của con người trong Kỷ đệ tam. Tôi tin rằng, đây là một định kiến khoa học. Khoa học tự nhiên cần phải loại bỏ định kiến này.”

Thật không may, định kiến này tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay mà không hề có dấu hiệu giảm bớt, như Giáo sư Sergi đã nhận ra từ thế kỷ 19, “Bởi các phương tiện của một nền khoa học mang định kiến chuyên chế, hay tùy bạn bạn gọi nó là gì, mọi khám phá về hài cốt của chủng người trong thời Pliocene đã bị phủ nhận.”

>> 9 lý do chứng minh thuyết tiến hóa của Darwin sai

Vậy tại sao vẻ ngoài hiện đại của chúng lại lấn át các yếu tố khác? Có vẻ chúng ta đã thiếu công bằng và thiếu logic khi phủ nhận hoàn toàn các dẫn chứng trên chỉ vì chúng không phù hợp với các luận điểm tiến hóa đương đại.

Các ví dụ được trích dẫn trong bài viết này chỉ là một phần nhỏ được các nhà nghiên cứu lôi ra ánh sáng. Tuy nhiên, còn có bao nhiêu trường hợp tương tự đã bị chối bỏ chỉ vì đặc tính dị thường của chúng?

Nếu khoa học tiếp tục ém nhẹm những khám phá mới, và chúng ta tiếp tục phủ nhận các dữ liệu đối lập với nhận thức ban đầu, thì làm thế nào nhân loại chúng ta có thể tiến bộ? Thật ra những định kiến này đã tồn tại từ lâu, ở nhiều phương diện, góp phần khiến nhân loại chúng ta mù mờ hơn về nguồn gốc thật sự của mình.

Bài viết trích từ chương “Xương và Đá” trong quyển “The Myth of Man” của J.P. Robinson.
Theo Ancient Origins,
Thanh Sơn biên dịch