Ông James Peebles là giáo sư danh dự tại Đại học Princeton (Mỹ), người mới nhận giải thưởng Nobel vật lý 2019. Khung lý thuyết được phát triển qua hai thập kỷ của ông là nền tảng cho nhận thức hiện đại của chúng ta về lịch sử vũ trụ. Tuy nhiên, ông tỏ ra không mấy hứng thú khi nhắc đến “Lý thuyết Vụ nổ lớn” (Big Bang).

James Peebles, Lý thuyết Vụ nổ lớn (Big Bang)
James Peebles. (Ảnh: Wiki)

Lý thuyết đã tồn tại trong nhiều thập kỷ này cho rằng vũ trụ sinh ra từ một vụ nổ Big Bang. Thuyết này đã khá lỏng lẻo trong thời kỳ đầu xuất hiện; sau này công trình ban đầu của Peebles về bức xạ nền vũ trụ đã giúp củng cố thêm nhiều chi tiết cho nó.

Nhưng “điều đầu tiên cần phải hiểu về lĩnh vực của tôi là cái tên Lý thuyết Big Bang là không phù hợp”, người đàn ông 84 tuổi cho biết tại một sự kiện vinh danh những người nhận giải Nobel của Đại sứ quán Thụy Điển ở Washington ngày 13/11.

“Nó bao hàm khái niệm về một sự kiện và một vị trí, cả hai đều khá sai lầm”, ông cho hay. Peebles còn nói thêm rằng không có bằng chứng cụ thể nào về một vụ nổ khổng lồ.

Tháng 10 vừa qua, Ủy ban Nobel đã vinh danh Peebles vì ​​công trình của ông từ giữa những năm 1960 đã phát triển khung lý thuyết phổ biến hiện nay cho giai đoạn sơ khai của vũ trụ.

Nhưng Peebles lưu ý rằng ông hoàn toàn không biết về “sự khởi đầu”.

“Thật không may khi người ta nghĩ về sự bắt đầu [của vũ trụ] trong khi thực tế, chúng ta lại không có lý thuyết chắc chắn về cái gọi là sự bắt đầu,” ông phát biểu với hãng tin AFP.

Trái lại, chúng ta chỉ có lý thuyết từ giai đoạn sơ khai tới trạng thái hiện tại, bắt đầu từ “vài giây mở rộng đầu tiên” – tức giây đầu tiên của thời gian – thứ đã để lại dấu ấn mà ngành vũ trụ học gọi là “hóa thạch.”

>> Sự hình thành vũ trụ: Phải chăng Kinh thánh và khoa học tương đồng?

“Hóa thạch” trong ngành cổ sinh vật học là nói đến những di tích và di thể (xác) của sinh vật được bảo tồn trong các lớp địa chất. Còn hóa thạch vũ trụ lâu đời nhất là sự tạo ra heli và các phân tử khác – kết quả của quá trình tổng hợp hạt nhân khi vũ trụ còn rất nóng và cô đặc.

Những lý thuyết trên nói về các giai đoạn sau này của vũ trụ, có lý luận chặt chẽ hơn bởi dựa trên nhiều những bằng chứng khả tín, còn các lý thuyết nói về sự hình thành và khởi đầu của vũ trụ thì không được như vậy.

“Chúng ta không có một bài kiểm tra đủ thuyết phục để kiểm chứng về những gì đã xảy ra trước đó,” ông Peebles cho biết. “Chúng ta có những lý thuyết, nhưng chưa được kiểm chứng.”

‘Tôi chịu thua’

“Lý thuyết, ý tưởng là những điều tuyệt vời, nhưng với tôi, chúng chỉ có giá trị khi đã được kiểm chứng,” ông chia sẻ.

“Bất kỳ nhà vật lý thông minh nào cũng có thể nghĩ ra các lý thuyết. Chúng có thể không liên quan gì đến thực tế. Bạn sẽ biết những lý thuyết gần với thực tế bằng cách so sánh với các thí nghiệm. Chúng ta không có bằng chứng thực nghiệm về những gì đã xảy ra trước [khi vũ trụ hình thành].” ông Peebles cho hay.

Một trong những lý thuyết có tên là “vũ trụ giãn nở” – cho rằng sự mở rộng của vũ trụ trong vũ trụ sơ khai với tốc độ nhanh hơn ánh sáng. Giai đoạn giãn nở cấp kỳ kéo dài từ 10-36 giây cho đến 10-33 tới 10-32 sau Big Bang. Sau giai đoạn này, vũ trụ tiếp tục giãn nở với tốc độ chậm hơn.

>> Tuyên ngôn về một nền khoa học Hậu duy vật

“Đó là một lý thuyết hay ho. Nhiều người nghĩ rằng lý thuyết đó hay ho nên nó hẳn là đúng đắn. Nhưng bằng chứng về nó lại quá ít.”

Khi được hỏi rằng liệu ông có thích thuật ngữ nào khác ngoài “Big Bang” hay không, ông Peebles trả lời: “Tôi đã chịu thua, tôi sử dụng thuật ngữ Big Bang, tôi không thích cái tên này.

Trong nhiều năm, một số người trong chúng tôi đã cố gắng thuyết phục công chúng tìm một thuật ngữ phù hợp hơn nhưng không thành công. Vì vậy, đành gọi là Big Bang. Thật không may, nhưng ai cũng sử dụng tên gọi đó. Nên tôi chịu thua.”

Theo AFP,
Phan Anh dịch