“Câu thần chú “hành động nhanh và phá vỡ mọi thứ” thích hợp với mạng xã hội của sinh viên chứ không phải cho hệ thống tiền tệ toàn cầu. Hệ thống tài chính của các nước đang phát triển sẽ bị phá vỡ.” Đây là những cảnh báo của Chris Hughes – người đồng sáng lập Facebook từ những ngày đầu – viết trên Blog của mình về đồng tiền Libra.

Embed from Getty Images

(Ảnh chụp Mark Zuckerberg và Christ Hughes năm 2004, 3 tháng sau khi lập ra Facebook)

Hành động nhanh và phá vỡ mọi thứ (move fast and break things) – câu châm ngôn của Facebook thời kỳ đầu – có lẽ thích hợp với mạng xã hội dành cho sinh viên chứ không phải với hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Trung tuần tháng 6/2019, Facebook và 27 đối tác đã công bố kế hoạch ra mắt đồng tiền kỹ thuật số Libra với chức năng chuyển tiền trên toàn cầu. Nếu như mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch thì thông qua Hiệp hội Libra thành lập tại Thuỵ Sĩ, một số doanh nghiệp lớn trên thế giới sẽ kiểm soát đồng tiền này với mức phí thành viên chỉ là 10 triệu USD.

Dù chỉ vận hành một cách khiêm tốn, Libra cũng sẽ chuyển giao quyền lực kiểm soát tiền tệ từ các ngân hàng trung ương sang những công ty tư nhân, bao gồm Visa, Uber và Vodafone. Nếu những nhà hoạch định chính sách không hành động ngay bây giờ, có lẽ mọi thứ đã quá trễ.

Tôi hoài nghi vào tiền ảo bởi lẽ sự bất ổn và thách thức pháp lý rất lớn. Nhưng Libra là câu chuyện hoàn toàn khác, nó sẽ là “đồng tiền ổn định” với giá trị được đính tới một rổ tiền tệ và các tài sản bảo đảm khác. Bất cứ người nào, dù dùng Facebook hay không, cũng có thể dùng nội tệ mua đồng Libra và bán trở lại bất cứ lúc nào.

Các chính sách cốt yếu về Libra như quản trị, bảo mật, các tài sản bảo đảm sẽ do Hiệp hội Libra (Thuỵ Sĩ) quyết định, mà hiệp hội này lại do Facebook và một số tập đoàn lớn chi phối, cho dù Facebook đã rất thông minh giới hạn quyền bỏ phiếu của mình trong hội đồng.

Điều này vẫn khiến tương lai phát triển Libra gây nhiều lo ngại. Đồng tiền này sẽ chèn một lớp quyền lực của doanh nghiệp vào giữa mối quan hệ giữa ngân hàng trung ương và người dân. Các tập đoàn kiểm soát đồng tiền này sẽ đưa lợi ích doanh nghiệp vào chính sách tiền tệ, thậm chí đặt trước lợi ích chung của cộng đồng.

Hãy tưởng tượng xem nếu Libra hoạt động, hàng trăm triệu người trên thế giới sẽ tự do chuyển tiền qua biên giới dễ dàng như gửi tin nhắn văn bản. Mục tiêu của Hiệp hội Libra là khuyến khích “quản trị phi tập trung”, trên thực chất là Libra sẽ phá vỡ và làm yếu quyền lực quốc gia thông qua việc cho phép người dân chuyển đổi từ đồng tiền bất ổn định trong nước sang những đồng tiền mạnh như đôla, euro và quản trị bởi các doanh nghiệp.

dong tien libra
(Ảnh: Shutterstock)

Hiệp hội Libra đánh đúng vào tâm lý của các thị trường mới nổi, họ chọn những đồng tiền ổn định, ít lạm phát cũng như các tài sản có giá trị để bảo đảm cho Libra. Quá hấp dẫn, nhưng chỉ cần đủ số người bán đi nội tệ thì sẽ đe doạ đến khả năng một chính phủ kiểm soát lượng cung tiền, phương tiện thanh toán, thậm chí kiểm soát vốn.

“Quản trị phi tập trung” là danh từ phổ dụng trong thung lũng Silicon, nhưng nó hoàn toàn sai lầm đối với chính sách tiền tệ.

Trải qua hàng thập kỳ, qua hàng loạt cuộc khủng hoảng, con người nhận ra rằng mình cần một ngân hàng trung ương để thực hiện chức năng quản lý tiền tệ, quyết định việc tăng, giảm nguồn cung tiền vào các thời điểm khác nhau để tránh khủng hoảng. Cơ chế này giúp nền kinh tế ổn định, chúng ta cần củng cố, hoàn thiện chứ không phải phá vỡ nó đi.

Thuật ngữ “Quản trị phi tập trung” mà những người hậu thuẫn Libra đưa ra thực chất là sự chuyển dịch quyền lực từ ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển sang các tập đoàn đa quốc gia, Quỹ dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ.

Bởi lẽ các ngân hàng trung ương tại các nước phát triển sẽ ưu tiên nền kinh tế của họ, trong khi đó, tại các nước đang phát triển thì người dân sẽ nắm giữ nội tệ ít hơn (do chuyển đổi sang ngoại tệ mạnh) khiến cho quyền lực của ngân hàng trung ương tại các nước này kém dần, không còn khả năng điều tiết nền kinh tế trong giai đoạn kinh tế căng thẳng nữa.

>> “Giấc mơ Trung Quốc” của Facebook và Google là “lợi bất cập hại”

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp gần đây, chúng ta thấy đầu tiên là thị trường tiền tệ bị mất kiểm soát. Là một thành viên của cộng đồng chung châu Âu, Hy lạp không còn kiểm soát chính sách tiền tệ và không có cách nào phá giá đồng tiền của mình sau khủng hoảng tài chính. Một thập kỷ sau, nền kinh tế Hy Lạp vẫn giảm 25% và tỷ lệ thất nghiệp cao nhất châu Âu. Libra cũng sẽ làm mất tác dụng của các ngân hàng trung ương trong giai đoạn khủng hoảng.

Hiệp hội Libra cũng nắm trong tay quyền lực đáng kể chi phối nền tài chính toàn cầu. Nếu các nhà hoạch định chính sách vào cuộc sớm, những tập đoàn chi phối sẽ đặt ra các tiêu chuẩn về xác minh danh tính, ít nhất là trong ngắn hạn, cũng như định ra các quy định, chế tài về bảo mật và các phương pháp xử lý vấn đề trộm cắp.

Facebook và các đối tác sẽ quyết định hợp tác với ngân hàng nào, quá trình xử lý thanh toán như thế nào và các đại lý phân phối nào, như vậy có thể mang đến lợi nhuận khồng lồ hoặc phá vỡ các công ty tại một số thị trường chỉ trong một đêm. Điều này chỉ bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp thành viên chứ không tạo ra hệ thống phi tập trung thật sự.

Nhiều người sẽ nói rằng nỗi sợ hãi trên là quá mức, rằng chưa chắc Libra đã ra đời được. Nhưng nếu nhìn vào thực tế của Facebook, về mức độ ảnh hưởng của Facebook tới cuộc sống thì dường như chúng ta đang đánh giá chưa đúng tầm. Với một doanh nghiệp cho phép người dùng nào cũng có thể livestream, từ đó cho phép trẻ vị thành niên phát sóng trực tiếp những cảnh bạo lực, khủng bố, giết người tới toàn nhân loại, thì không điều gì là không thể. Facebook đã làm thay đổi việc nhắn tin qua di động, thay đổi ngành tin tức, báo chí… nhanh hơn nhiều người có thể tưởng tượng.

Chính phủ toàn thế giới không thể dùng phương pháp tiếp cận “quan sát rồi tính” như trước đây. G7 cần phải lập nhóm hành động để nhìn nhận tổng thể dự án trong sự phối hợp chặt chẽ với IMF và các ngân hàng trung ương. Các nhà hoạch định chính sách tại các thị trường đang phát triển cần phải kéo chậm lại việc các ngân hàng trong nước, các hệ thống thanh toán chấp nhận Libra. Nếu người dùng Libra không thể chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng nội địa hoặc đổi nó thành tiền mặt, mức độ lan toả sẽ chậm lại. Điều này không hẳn là một lệnh cấm dài hạn, đơn giản chỉ là kéo dài thời gian cho quá trình lập pháp được thông qua mà thôi.

Cùng lúc, các nhà hoạch định chính sách Mỹ và Thuỵ Sĩ sẽ đóng vai trò chủ đạo để thiết lập tiêu chuẩn về xác minh danh tính khách hàng, chống rửa tiền và ổn định tài chính. Trong quá khứ, Cơ quan quản lý đã đánh giá thấp quyền lực của Facebook, cho phép nó thôn tính đối thủ cạnh tranh Instagram và WhatsApp. Lần này các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng, toàn diện, không bỏ sót một phương diện nào.

Tác giả: Christopher Hughes (sinh ngày 26/11/1983) là một doanh nhân Mỹ, người đồng sáng lập, phát ngôn viên của Facebook thời kỳ đầu cùng với bạn cùng phòng là Mark Zuckerberg, Dustin Moskovitz, Eduardo Saverin, và Andrew McCollum.

Hughes là tổng biên tập tờ The New Republic from 2012 to 2016. Từ năm 2019 Hughes là đồng chủ tịch của dự án Economic Security Project.

Minh Hương dịch