Các nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy những nhóm người ngồi thiền định với số lượng lớn có thể có tác dụng làm giảm tỷ lệ tội phạm của một thành phố, thậm chí một quốc gia.

Thiền định có thể làm giảm mạnh tỷ lệ tội phạm quốc gia
(Ảnh: Shutterstock)

Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học, Công nghệ và Chính sách công, Đại học Quản lý Maharishi, Fairfield, Iowa, Hoa Kỳ cho biết nếu có thể quy tụ được một nhóm người thiền định liên tục trong một thời gian với số lượng căn bậc 2 của 1% dân số của một quốc gia thì sẽ khiến cho tỷ lệ tội phạm của quốc gia ấy giảm hàng chục phần trăm.

Cụ thể nếu dân số Hoa Kỳ là 330 triệu người, thì chỉ cần khoảng 1.800 người ngồi thiền định liên tục sẽ khiến cho những căng thẳng, xung đột xã hội và số lượng tội phạm của nước này giảm 20%.

Thiền định tập thể làm giảm tỷ lệ tội phạm ở Washington DC – nghiên cứu năm 1993

Vào năm 1993, một dự án thử nghiệm kéo dài hai tháng từ ngày 7/6/1993 đến ngày 30/7/1993 tại Washington DC với số người tham gia thiền định tập trung tăng dần từ 800 người lên đến 4.000 người đã khiến cho tỷ lệ tội phạm của thành phố này giảm trên 20% vào thời điểm kết thúc thử nghiệm.

Để đảm bảo tính khoa học, khách quan, công bằng, cuộc thử nghiệm được xem xét và kiểm soát nghiêm ngặt bởi một Hội đồng đánh giá gồm 27 người không chỉ từ Đại học Quản lý Maharishi mà còn có sự góp mặt của Trung tâm Quản lý Xung đột và Phát triển Quốc tế – Đại học Maryland, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Columbia, và Phòng Kế hoạch và Nghiên cứu – Sở cảnh sát đô thị quận Columbia. Người đứng đầu Hội đồng đánh giá là Tiến sĩ vật lý lượng tử nổi tiếng John Hagelin. [1, 2]

thien dinh o my
Ảnh chụp 4.000 người tham dự án thiền định tại Washington DC năm 1993 (nguồn: veldparadigma.com)

Trước cuộc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng nhóm thiền định sẽ làm giảm trên 20% tỷ lệ tội phạm của Washington mà không cần phải có bất cứ tương tác về lời nói, xã hội, chính trị hoặc thể chất nào giữa các thiền giả và cộng đồng cư dân thành phố. Tác động tích cực sẽ diễn ra lặng lẽ, kín đáo bắt nguồn từ trường ý thức.

  • Mời xem video: Nghiên cứu: Tỷ lệ tội phạm quốc gia sẽ giảm mạnh khi có nhiều người thiền định

Tại thời điểm đó, cảnh sát địa phương đã chế giễu dự đoán này. Vị cảnh sát trưởng còn cho rằng, muốn giảm tỷ lệ tội phạm xuống 20% vào mùa hè thì khi đó Washington cần có tuyết rơi dày 20 inch (46cm). Cảnh sát đã quen với việc tội phạm tăng lên hàng năm và cũng tăng trong những tháng mùa hè khi thời tiết trở nên nóng hơn và ngày dài hơn.

Không nản lòng trước sự hoài nghi, 800 người đã bắt đầu thiền định vào tuần đầu tiên của dự án, dần mang lại trường không gian hòa ái cho toàn thành phố. Vào 2 tuần cuối trước khi dự án kết thúc, số lượng người tham gia thiền định đã tăng lên đến 4.000. Thời lượng thiền định yêu cầu cho mỗi người là 20 phút mỗi lần, 2 lần một ngày.

Kết quả thử nghiệm cho thấy tỷ lệ tội phạm ở Washington bao gồm giết người, hãm hiếp, bạo lực thống kê bởi Chương trình báo cáo tội phạm thống nhất của FBI đã giảm đến 8% vào tuần thứ 6 và cuối cùng đạt mức giảm 23,3% vào tuần cuối cùng của dự án. [1, 2]

Thiền định có thể làm giảm mạnh tỷ lệ tội phạm quốc gia
Tỷ lệ tội phạm tại Washington DC giảm dần theo thời gian của dự án thiền định tập trung; trục trái: số lượng người tham gia thiền định, trục phải: tỷ lệ giảm của tội phạm, trục dưới: thời gian thực hiện dự án theo tuần, đường màu xanh lá cây: đồ thị số người thiền định theo tuần, đường màu cam: đồ thị tỷ lệ tội phạm giảm theo tuần (nguồn: worldpeacegroup.org)

 

Thiền định có thể làm giảm mạnh tỷ lệ tội phạm quốc gia
Số liệu từ Chương trình báo cáo tội phạm thống nhất của FBI năm 1993 tại Washington DC cho thấy tình hình tội phạm có xu hướng tăng liên tục từ đầu năm và vẫn tăng vào 2 tuần của dự án. Từ tuần thứ ba của dự án, tỷ lệ phạm tội giảm dần (đường liền màu đen) trong khi dự đoán xu hướng tội phạm sẽ tăng mạnh trong 2 tháng mùa hè (đường chấm màu đen) (nguồn: worldpeacegroup.org)

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng, ngoài việc làm giảm tỷ lệ tội phạm, chiến dịch thiền định 2 tháng cũng dẫn đến những tác động tích cực khác cho xã hội:

  • Tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng với Tổng thống Bill Clinton được cải thiện
  • Giới truyền thông thay đổi thái độ tích cực hơn với Tổng thống Bill Clinton.
  • Các cuộc gọi khẩn cấp hỗ trợ các vấn đề tâm thần giảm
  • Các trường hợp chấn thương bệnh viện giảm
  • Khiếu nại chống lại cảnh sát giảm
  • Tử vong do tai nạn giảm
  • Chỉ số chất lượng cuộc sống được cải thiện

Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng, ngay sau khi dự án kết thúc, tỷ lệ tội phạm của Washington DC lại tăng cao trở lại như bình thường. [1, 2]

Thí nghiệm giai đoạn 2007-2010 mang lại kết quả tương tự

Từ năm 2007 đến năm 2010, Đại học Quản lý Maharishi lại tiếp tục thực hiện một dự án thiền định tập thể khác nhằm giảm tỷ lệ tội phạm tại Hoa Kỳ. Đến tháng 1/2007, dự án đã tập hợp được hơn 1.725 người, vượt qua số lượng căn bậc 2 của 1% dân số Hoa Kỳ tại thời điểm đó để thực hành thiền định.

Kết quả phân tích thống kê của dự án giai đoạn 2007-2010 cho thấy tỷ lệ giết người ở cấp độ quốc gia và tỷ lệ tội phạm bạo lực đô thị giảm đáng kể so với xu hướng trong giai đoạn 2002-2006.

Tỷ lệ giết người giảm so với tỷ lệ trung bình là 21,2% trong giai đoạn bốn năm (giảm 5,3% mỗi năm). Phân tích dữ liệu hàng tháng cho thấy xu hướng gia tăng của các vụ giết người ở Mỹ trong giai đoạn 2002-2006 đã bị đảo ngược trong giai đoạn dự án diễn ra 2007-2010. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 8.157 vụ giết người đã được ngăn chặn bởi sự thay đổi đáng kể từ xu hướng gia tăng sang xu hướng giảm tỷ lệ giết người.

Tỷ lệ tội phạm bạo lực giảm 18,5% trong 4 năm thực hiện dự án (giảm 4,6% mỗi năm). Nghiên cứu đã thấy tỷ lệ tội phạm bạo lực từ xu hướng đi ngang trong giai đoạn 2002-2006 đã chuyển sang xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2007 – 2010 đối với 206 khu vực đô thị với dân số hơn 100.000 được lấy mẫu người trên toàn nước Mỹ. [2, 3]

thien dinh toi pham
So sánh với giai đoạn 2002-2006, dự án thiền định tập thể giai đoạn 2007-2010 đã giúp giảm tỷ lệ giết người 21,2% (5,3% mỗi năm) và giảm tội phạm bạo lực 18,5% (4,6% mỗi năm) (nguồn: Đại học quản lý Maharishi)

Lý giải ra sao?

Các nhà khoa học đã phát hiện rằng thực hành thiền định không chỉ có tác động tích cực to lớn đến não bộ và sức khỏe thể chất của người tập mà còn có thể sản sinh ra siêu năng lực. [4, 5] Nhưng vì sao thiền định lại có thể tác động đến người khác khiến tỷ lệ phạm tội giảm đi?

thien dinh sieu nang luc
Hành giả yogi Wim Hof có thể ngồi thiền trong băng 2 giờ mà thân nhiệt bên trong không hề thay đổi

Các thiền giả Ấn độ cho rằng trong mỗi con người là một nguồn năng lượng, trí thông minh và hạnh phúc vô tận. Một số môn thiền định giúp tâm trí con người lắng đọng xuống trường thâm sâu của suy nghĩ, xuống nguồn gốc của suy nghĩ. Trong lúc thiền sâu, thiền giả trải nghiệm những trạng thái tâm thức sâu sắc và hạnh phúc và như vậy chạm vào hoặc tích hợp rõ ràng hơn với trường trí tuệ thuần túy phổ quát của vũ trụ. Khi sự hợp nhất này xảy ra, sự bình an nội tâm sâu sắc mà thiền giả trải nghiệm cũng được truyền tự nhiên ra môi trường bên ngoài. Các thiền giả nhấn mạnh rằng hòa bình của cá nhân là điều kiện tiên quyết của hòa bình thế giới. [2]

Tại Trung Quốc, giai đoạn 1992-1999 có sự xuất hiện và phổ biến của một phương pháp tu luyện khí công trường phái Phật với số lượng người thực hành lên đến 100 triệu người: Pháp Luân Công. Môn khí công yêu cầu các học viên tu sửa tâm tính và thực hành các động tác trong đó có thiền định đã tạo ra những tác động tích cực to lớn đối xã hội Trung Quốc thời bấy giờ, trước khi nó bị đàn áp và cấm đoán vào tháng 7/1999. [6]

phap luan cong cap nhi tan
Người tập Pháp Luân Công ngồi thiền ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc (trước năm 1999) (Ảnh: minghui.org)

Theo ông Chung Quế Xuân, người từng là Chánh thanh tra cảnh sát Bắc Kinh, trong trao đổi với đài truyền hình NTD cho biết, khi môn khí công này phổ biến ở Trung Quốc, tỷ lệ tội phạm đã giảm một cách rõ rệt, xã hội Trung Quốc vốn rất bất ổn khi đó đã dần an định, thậm chí ở Bắc Kinh ví tiền bị rơi cũng không có người nhặt. Có rất nhiều địa phương ở Trung Quốc xảy ra hiện tượng cả làng ăn cắp vặt, nhưng khi môn khí công này được thực hành tại đó thì hiện tượng ăn cắp không còn nữa, nó cũng thể hiện rõ tác dụng tích cực đối với việc cai nghiện ma túy và các chất kích thích. [7, 8]

Môn khí công này cho rằng khi người thực hành pháp môn tuân thủ yêu cầu gìn giữ đạo đức, thì cơ thể họ sẽ có cải biến và phát ra một trường năng lượng. [9] Trường năng lượng này có thể điều chỉnh các trạng thái không đúng đắn trong cơ thể và trong tư tưởng của những người xung quanh bao gồm cả bệnh tật, các ý định và hành động xấu. Đây là điều mà những người tu Phật gọi là “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh”. [10]

tap khi cong e1553185071282
(ảnh qua hivedalston.wordpress.com)

Ngày nay, thiền định và tu luyện khí công đã ngày càng phổ biến không chỉ ở các nước phương Đông mà cả phương Tây. Ngoài tác dụng cải biến đối với cá nhân người thực hành, các môn thiền định bao gồm cả thực hành tu luyện khí công đã và đang thực sự mang lại những tác dụng tích cực cho xã hội, điều mà ngay cả luật pháp ngày càng hoàn thiện cũng không thực hiện nổi.

Thiết nghĩ, những hiệu quả to lớn này nên được chính phủ các nước nghiên cứu, đánh giá, phổ biến và nhân rộng.

Đăng ký học thiền, rèn luyện cả tâm lẫn thân tại đây.

Thiện Tâm tổng hợp

Tài liệu tham khảo:

[1] World Peace Group: Washington crime study shows 23.3% drop in violent crime trend due to meditating group

[2] Jeremy Old – Natural Health Research Trust: The Super Radiance effect – A proven technology for national invincibility and international peace

[3] Eurekalert.org:  Can group meditation prevent violent crime? Surprisingly, the data suggests yes: New study

[4] Trí thức VN: Nghiên cứu của ĐH Harvard: Thiền định tăng chất xám rõ rệt chỉ sau 8 tuần luyện tập

[5] Trí thức VN: Nghiên cứu khoa học: Thiền định có thể sản sinh siêu năng lực

[6] Trí thức VN: Tại sao chính quyền Trung Quốc sợ Pháp Luân Công 

[7] NTDTV: Hồi Ức Về Những Ngày Tháng Bên Cạnh Sư Phụ – Phần 2.2 

[8] NTDTV: Câu chuyện thần thoại cho con người tương lai – Phần 2

[9] Trí thức VN: các loại năng lượng và tác dụng của khí công qua 100 báo cáo khoa học 

[10] Bài giảng thứ 3, Chuyển Pháp Luân, 9/1995