Taxi và xe ôm công nghệ, hay còn được gọi với cái tên hàn lâm hơn là “dịch vụ dùng xe chung” đã đem lại nhiều ích lợi cho hành khách cũng như các bác tài trong mấy năm phát triển ngắn ngủi vừa qua. Nhưng liệu chúng có tốt cho tổng thể hệ thống giao thông đô thị hay không?

Taxi công nghệ khiến San Franciso kẹt xe
(Ảnh: Shutterstock)

San Francisco là cái nôi của Uber, Lyft và một loạt các hãng taxi công nghệ khác ở Mỹ. Tuy vậy, chính những niềm tự hào này đang ngày một khiến thành phố tắc nghẽn hơn.

Thành phố với cây cầu Cổng Vảng nổi tiếng thế giới không hề lớn. Họ chỉ có 900.000 ngàn dân và đứng 13 về dân số tại Hoa Kỳ. Tuy vậy, số lượng taxi công nghệ hoạt động tại đây lên tới 45.000 ngàn chiếc, thực hiện 170.000 chuyến đi mỗi ngày (theo số liệu năm 2017). Đây quả thực là phòng thí nghiệm hoàn hảo để kiểm tra xem dịch vụ dùng chung xe – hay taxi công nghệ có ảnh hưởng thế nào tới lưu lượng giao thông trong thành phố.

Và theo không ít các nghiên cứu, bao gồm cả công trình của trường Đại học Kentucky mới được đăng tải gần đây trên tạp chí Science Advances, những ảnh hưởng to lớn của taxi công nghệ đến giao thông nội đô của thành phố San Francisco đã lộ diện.

Để đánh giá một cách khoa học nhất, nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình nhu cầu giao thông có tên gọi SF-CHAMP. Đây là mô hình được sử dụng để đánh giá những tác động của việc sử dụng không gian, trạng thái kinh tế xã hội và những thay đổi của hạ tầng giao thông đến tình hình xe cộ di chuyển của một địa phương.

Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Kentucky đã lấy các dữ liệu giao thông thực tế làm đầu vào phân tích. Họ xây dựng hai mô hình, một là mô phỏng lại trạng thái giao thông giống như năm 2010 khi chưa có dịch vụ dùng chung xe, và mô hình thứ hai là trạng thái giao thông hiện nay với Uber và Lyft. Dữ liệu từ chính các công ty taxi công nghệ, gồm chi tiết hoạt động của các đội xe khi có và không có khách, cũng như dữ liệu tốc độ xe đều được sử dụng để tăng độ nghiêm cẩn của phép mô phỏng.

Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá tác động của các khu vực đón trả khách, nơi làn đường cơ giới giao với làn đường đi bộ. Đây là điểm có thể bị ách tắc tạm thời khi hành khách lên và xuống xe. Để đảm bảo kết quả được chính xác, nhóm nghiên cứu đã loại trừ ảnh hưởng của các công trình xây dựng và cải tạo đường xá lớn trong thành phố.

Kết quả thu được từ quá trình so sánh cho thấy một loạt những vấn đề gây ra do taxi công nghệ.

Yếu tố bị ảnh hưởng

 Không có taxi công nghệ Có taxi công nghệ
Quãng đường phương tiện di chuyển↑ 7%            ↑ 13%
Thời gian phương tiện di chuyển↑ 12%            ↑ 30%
Số giờ phải chờ đợi ách tắc↑ 22%            ↑ 62%
Tốc độ di chuyển↓ 4%            ↓ 13%

Tác động của taxi công nghệ tới một số chỉ dấu chất lượng giao thông (so sánh giữa thời điểm năm 2010 và năm 2016)

Không thể phủ nhận được những điểm tích cực mà taxi công nghệ đã mang lại cho chúng ta, như giá cả tốt hơn, gọi ngay là có, quản lý đội xe tốt hơn, và trải nghiệm khách hàng dễ chịu hơn. Cũng bởi thế mà taxi công nghệ, dẫu chỉ mới xuất hiện được mấy năm, đã khiến cho taxi truyền thống phải khốn đốn.

Tuy vậy, Greg Erhardt – giáo sư trợ giảng tại bộ môn kỹ thuật dân sự trường Đại học Kentucky kiêm trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết: “Có những lợi ích rõ rệt cho người ngồi trong xe. Họ có thể có (hoặc không) nhận được những trải nghiệm tốt đẹp hơn. Nhưng thứ này lại mang đến những tác động tiêu cực cho mọi người khác: cho hệ thống giao thông, cho các tài xế khác và cho những người ngồi trong xe buýt đang phải chờ đợi [vị khách nào đó lên (hay xuống) chiếc Uber của họ].”

>> Xung đột bất thường giữa tòa án, VKS cấp cao trong bản án Vinasun-Grab

Một đề xuất đơn giản có thể giúp giải quyết nạn kẹt xe được nhiều nhà quản lý ưa thích là đánh thuế phương tiện chạy vào các khu vực đang ách tắc hay trong giờ cao điểm. Tuy vậy, theo Erhardt, những công ty như Uber hình như lại thích biện pháp như vậy nhất, vì họ cho rằng việc đánh thuế tắc đường sẽ hạn chế xe riêng ra ngoài và đẩy người dân vào băng ghế sau của các bác tài taxi công nghệ nhiều hơn. Cũng giống như tại Việt Nam, nơi không ít người dân tại các thành phố lớn đã lựa chọn xe ôm/taxi công nghệ để đi làm hàng ngày thay cho phương tiện cá nhân của họ.

Trong tương lai, khi taxi công nghệ tự hành không cần người lái xuất hiện, nhiều người dự đoán rằng chúng sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với ưu thế vượt trội về giá cước. Khi ấy, thảm họa thực sự sẽ đến cho giao thông công cộng cho thành phố yêu công nghệ San Francisco. Có lẽ người ta nên bắt đầu nghĩ tới những chiếc taxi bay hay một chính sách nào đó mạnh tay hơn?

Theo New Atlas
Hạ Chi tổng hợp