Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Khoa học (Science), ước tính độ cao của khoảng 16% thành phố lớn nhất Trung Quốc đang giảm mỗi năm hơn 10 mm, gần một nửa số thành phố mỗi năm giảm hơn 3 mm độ cao so với mực nước biển.

View of Beijing
Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Wikimedia)

Những con số này xem có vẻ rất nhỏ nhưng thực tế tăng lên nhanh theo thời gian. Theo nghiên cứu, trong vòng 100 năm tới, 1/4 đất đô thị ven biển của Trung Quốc có thể chìm dưới mực nước biển do sự kết hợp giữa sụt lún bề mặt và mực nước biển dâng.

Nhà khoa học Robert Nicholls tại Đại học East Anglia chuyên về khí hậu và kỹ sư xây dựng, người đã xem xét bài báo cho biết: “Đây là một vấn đề quốc gia”. Theo ông, nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên sử dụng dữ liệu radar vệ tinh tiên tiến nhất để cùng một lúc đo lường tình trạng sụt lún ở nhiều khu vực đô thị.

Nghiên cứu đã phát hiện việc giảm độ cao các thành phố đó một phần là do sức nặng quá lớn của các tòa nhà và cơ sở hạ tầng. Cũng như việc khoan dầu và khai thác than, vấn đề cũng liên quan việc bơm nước từ các tầng ngậm nước, tất cả đều để lại những khoảng trống dưới lòng đất có thể khiến đất và đá bị sụp lún.

Bắc Kinh là một trong những thành phố giảm độ cao nhanh nhất Trung Quốc. Điều tương tự cũng xảy ra ở Thiên Tân gần đó, là nơi vào năm ngoái phát hiện một số con đường đột nhiên bị nứt khiến hàng ngàn cư dân phải sơ tán khỏi các tòa nhà chung cư cao tầng. Độ lún diễn ra không đồng đều ở các nơi và gây nguy hiểm cho các công trình xây dựng.

Thực tế vấn đề tương tự cũng diễn ra tại nhiều nước khác, bao gồm cả Mỹ.

Nhà địa vật lý Manouchehir Shirzai tại Virginia Tech, người đã sử dụng các phương pháp tương tự để nghiên cứu hiện tượng sụt lún ở các thành phố ven biển Mỹ, cho biết: “Sụt lún đất là một vấn đề bị bỏ quên, xảy ra ở hầu hết mọi nơi”. Shirzai cũng xem xét công bố nghiên cứu mới về các thành phố của Trung Quốc từ Ao Zurui của Đại học Sư phạm Nam Trung Quốc, nghiên cứu của Hu Xiaomei và Tao Shengli của Đại học Bắc Kinh, và các đồng nghiệp của họ.

Nghiên cứu mới trong khoảng thời gian từ năm 2015 – 2022 dựa trên radar vệ tinh, đã đo lường mức độ tăng giảm bề mặt tại 82 thành phố lớn, chiếm 3/4 dân số đô thị của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu đã so sánh các phép đo này với dữ liệu về các yếu tố ảnh hưởng tiềm ẩn, chẳng hạn như trọng lượng của các tòa nhà và sự thay đổi mực nước ngầm ở những thành phố này.

Các nhà nghiên cứu cũng kết hợp kết quả đo sụt lún với dự báo mực nước biển dâng để xác định cuối cùng những thành phố nào có thể giảm xuống dưới mực nước biển. Một điều cần lưu ý về những phát hiện này là họ cho rằng tốc độ sụt lún là không đổi trong 100 năm tới, nhưng tốc độ này có thể thay đổi theo hoạt động của con người.

Hiện tại, khoảng 6% diện tích đất ở các thành phố ven biển của Trung Quốc có độ cao tương đối dưới mực nước biển. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ này có thể tăng lên 26% nếu mực nước biển trung bình toàn cầu tăng 0,87 mét vào năm 2120, mức cao hơn trong hai kịch bản phổ biến mà các nhà nghiên cứu xem xét.

Một thành phố ở dưới mực nước biển không có nghĩa là đến hồi bị hủy diệt. Phần lớn nước Hà Lan nằm dưới mực nước biển và đang chìm dần, nhưng nước này đã thiết kế rộng rãi để ngăn chặn lũ lụt ở một số nơi và trữ nước ở những nơi khác.

Các nhà nghiên cứu viết rằng chìa khóa để giảm thiệt hại là hạn chế khai thác nước ngầm. Thượng Hải đã áp dụng cách tiếp cận này và đang chìm chậm hơn so với các thành phố khác của Trung Quốc. Tại Nhật Bản, vấn đề quản lý nước ngầm chặt chẽ trong thời gian dài đã chứng tỏ thành công trong việc ổn định tình trạng sụt lún ở Tokyo và Osaka.

Một số nơi thậm chí còn chống sụt lún bằng cách bơm nước vào các tầng ngậm nước đã cạn kiệt, được gọi là “quản lý bồi nước”.

Nichols cho rằng sẽ khó có thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng đất bị lún xuống. Ông nói: “Bạn phải thích ứng với phần còn lại”.