Nestlé, hãng thực phẩm lớn nhất thế giới cho biết sẽ đầu tư 2 tỷ Franc Thụy Sỹ (2,07 tỷ USD) vào giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa mà công ty này chịu phần lớn trách nhiệm. Gã khổng lồ thực phẩm có trụ sở tại Thụy Sỹ này nói trong một tuyên bố ngày 17/1 rằng sẽ đầu tư vào công nghệ sản xuất bao bì nhựa tái chế cho các sản phẩm của công ty đồng thời giảm lượng sử dụng nhựa mới xuống còn 1/3 trong 5 năm tới, theo Reuters đưa tin.

23770942120 d26f12fe92 b
(Ảnh: Nestlé/ Flickr)

Hãng thực phẩm và nước giải khát Nestlé có bao bì của hầu hết sản phẩm được làm bằng nhựa, luôn bị chỉ trích như là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường bằng rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Trong sự thừa nhận về cuộc khủng hoảng rác thải nhựa, công ty này đã hứa hẹn sẽ dùng bao bì nhựa tái chế 100% vào năm 2025.

CEO của Nestlé, Mark Schneider nói với phóng viên của Reuters rằng: “Chúng tôi đang nâng cao thứ hạng của mình trong danh sách, vì chúng tôi là một trong số các công ty lớn nhất trong ngành hàng hóa đóng gói. Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành những bước tiến khá lớn trong việc sử dụng khả năng của mình để thực sự giải quyết vấn đề.”

Tuy vậy, không phải bất kể thứ gì có thể tái chế đều có nghĩa là nó sẽ được tái chế. Theo The Guardian ghi nhận, chỉ 9% nhựa tái chế thực sự được tái chế. Còn theo The NYT, có tồn tại việc các công ty nói rằng sản phẩm của họ được làm từ nhựa tái chế trong khi họ biết là không phải vậy.

Về phần mình, Nestlé sẽ đầu tư một số tiền đáng kể vào bao bì nhựa tái chế an toàn cho thực phẩm. Công ty này cũng sẽ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về nhựa tái chế như một cách khích lệ các nhà sản xuất quan tâm đến lĩnh vực này, CNN cho biết.

Sản xuất nhựa tái chế an toàn cho thực phẩm là một thử thách lớn đối với nền công nghiệp của chúng tôi,” Schneider cho biết trong một công bố được CNN đưa tin. “Đó là lý do vì sao bên cạnh việc hạn chế sử dụng nhựa và thu hồi rác thải, chúng tôi muốn làm một vòng tuần hoàn và làm ra nhiều nhựa tái chế được hơn.”

Tổng bao bì nhựa Nestlé dùng trong năm 2018 đạt tới 1,7 triệu tấn m3, theo báo cáo của chính công ty này được đăng bởi CNN. Trong số nhựa khổng lồ này, chỉ có 2% là nhựa có thể tái chế, theo Sander Defruyt, chuyên gia về nhựa của Tổ chức Quỹ Ellen MacArthur nói với CNN.

“Thật đáng khích lệ khi cuối cùng Nestlé cũng cam kết giảm sự phụ thuộc vào nhựa nguyên chất”, Matthias Wüthrich chiến dịch viên cao cấp tại Greenpeace Thụy Sỹ nói trong một tuyên bố trên CNN. “Nếu Nestlé muốn ngừng làm ô nhiễm thế giới, công ty cần kết thúc sự phụ thuộc vào nhựa,” ông nói thêm và thúc giục công ty này “đồng thời dứt điểm sử dụng bao bì nhựa dùng một lần.”

Tuy nhiên, Nestlé chưa có kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào nhựa. “Chất lượng và an toàn thực phẩm là sự ưu tiên hàng đầu và việc đóng gói đóng vai trò chính trong sự đảm bảo này,” Nestlé nói với  MarketWatch.

Minh Lan