Từ khi được tìm thấy vào năm 2016, hành tinh Proxima b là một trong những ứng cử viên hứa hẹn nhất có thể tồn tại sự sống. Nhưng gần đây, một lóa mặt trời cực mạnh đã thiêu đốt nó, có thể xóa sạch hết mọi hy vọng cho sự sống trên đó.

Một ngày không giống mọi ngày

Năm 2016, các nhà sinh học vũ trụ đã ăn mừng trước thông tin tìm ra hành tinh Proxima b, xoay quanh ngôi sao Proxima Centauri, với kích cỡ to bằng Trái Đất và khả năng có tồn tại sự sống.

Proxima Centauri là ngôi sao gần hệ Mặt Trời của chúng ta nhất – 4,24 năm ánh sáng; vì thế trong cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh, chúng ta đã tìm thấy một ứng cử viên sáng giá ngay trong khu vực vũ trụ “hàng xóm” của mình.

Nhưng giờ đây, một thông tin mới làm chúng ta phải đặt câu hỏi lại về tiềm năng tồn tại sự sống của Proxima b.

Một hành tinh có thể tồn tại sự sống gần chúng ta vừa bị “nướng
Hình vẽ minh họa của họa sĩ về lóa mặt trời từ ngôi sao Proxima Centauri với những vòng khí nóng sáng rực. Ở phía tiền cảnh là hành tinh Proxima b. (ảnh: Roberto Molar Candanosa / Carnegie Institution for Science, NASA/SDO, NASA/JPL)

Dựa trên quan sát của Kính thiên văn ALMA (Atacama Large Millimeter-submillimeter Array), gần đây các nhà khoa học phát hiện ra rằng Proxima Centauri đã phát ra một lóa mặt trời cực kỳ mạnh mẽ vào tháng 3 năm 2017. Nếu sự sống thực sự có tồn tại trên hành tinh Proxima b, nó cũng khó có thể sống sót dưới cường độ mạnh gấp 10 lần lóa mặt trời lớn nhất của chúng ta như vậy.

“24 tháng 3 năm 2017 không phải là một ngày bình thường đối với ngôi sao Proxima Cen,” Meredith MacGregor, nhà thiên văn học ở viện khoa học Carnegie viết trong một thông cáo báo chí.

>> Thổ Nhĩ Kỳ: Ngôi đền cổ ghi lại vụ sao chổi rơi gây ra Kỷ băng hà 13.000 năm trước

Những điều kiện khắc nghiệt

Nhóm của MacGregor phát hiện rằng lóa mặt trời này đã làm cho ngôi sao Proxima Centauri sáng hơn gấp 1000 lần trong thời gian chỉ 10 giây. Mặc dù toàn bộ sự kiện (bao gồm một lóa mặt trời nhỏ hơn theo sau) chỉ kéo dài không đến 2 phút, nó đã thiêu đốt hành tinh Proxima b nhỏ bé với mức phóng xạ gấp 4000 lần so với các lóa mặt trời thông thường đến Trái Đất.

Và điều này chắc chắn không phải tin tức tốt lành đối với bất kỳ sự sống nào (nếu có) trên bề mặt của hành tinh đó.

Một hành tinh có thể tồn tại sự sống gần chúng ta vừa bị “nướng
(ảnh: NRAO/AUI/NSF; D. Berry)

“Khả năng là Proxima b đã bị tấn công bởi phóng xạ cao năng lượng trong suốt thời gian lóa mặt trời,” ông MacGregor viết trong thông cáo. “Trong hàng tỷ năm từ khi Proxima b hình thành, những lóa mặt trời như vậy có thể đã làm bốc hơi bầu khí quyển hay đại dương, và tiêu diệt hết vi khuẩn; như vậy khả năng tồn tại sự sống và có nước ở thể lỏng không chỉ phụ thuộc vào khoảng cách [từ hành tinh] đến ngôi sao chủ.”

Chúng ta đã có những kính thiên văn rất mạnh đang được phát triển, hứa hẹn sẽ quan sát rõ hơn đối với hành tinh Proxima b, kèm theo những dự án thăm dò sự sống trên đó. Ngay cả khi kết quả là hành tinh này không tồn tại sự sống, kiến thức đó cũng có thể giúp chúng ta trong cuộc tìm kiếm các hành tinh bên ngoài hệ thống Centauri.

Những ngôi sao lùn nhỏ như Proxima Centauri là loại phổ biến nhất trong hệ Ngân Hà, và chúng ta đã tìm thấy một vài hành tinh trong vùng có thể tồn tại sự sống xung quanh một vài ngôi sao như vậy. Nhưng các ngôi sao lùn này thường phát ra những luồng năng lượng hung bạo, do đó, nếu có một ngày con người muốn cư trú ở những nơi như vậy, chúng ta và các sinh vật cần được bảo vệ hoặc làm cho cứng cáp hơn để có thể chống lại những bức xạ mặt trời mạnh mẽ này.

Một vài hình ảnh minh họa về Proxima b:

Theo Futurism,
Phong Trần